Những ngày mùa thu , Hà Nội đón một lượng khách “khủng” từ khắp nơi trên cả nước về thăm quan du lịch. Những tưởng lượng khách tăng sẽ góp thêm phần vào việc gia tăng các dịch vụ. Thế nhưng, tại nhiều điểm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng của Hà Nội vẫn chưa thật hút khách.
Giá thuê xe đạp chưa cạnh tranh
Trước áp lực giao thông đang ngày một lớn trên địa bàn Thủ đô thì việc phát triển phương tiện xe đạp công cộng đang được xem là giải pháp hữu hiệu để kết nối các tuyến xe buýt, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Thế nhưng, sau hơn 1 năm thí điểm (từ 24/8/2023 đến nay), với hơn 700 xe đặt tại 88 điểm ở 6 quận được phép cho hoạt động thí điểm, dường như dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng này chưa thật sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Sau hơn 1 năm thí điểm, dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội đã thu hút hơn 208 nghìn khách đăng ký.
Ghi nhận tại 2 trạm xe đạp công cộng trên đường Lý Thường Kiệt, dù vào giờ cao điểm vẫn có gần chục chiếc xe đạp được xếp khá gọn gàng trên một phần đường vỉa hè. Chị Như Ngọc làm việc ở phố Phan Chu Trinh cho hay, giá thuê xe đạp khá rẻ, chị cũng muốn sử dụng đi làm hàng ngày nhưng chị vẫn không lựa chọn bởi gần nhà chưa có trạm trả xe. Còn trong quá trình làm việc, tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi đâu đó thì phải đi bộ vài trăm mét mới ra tới khu vực thuê xe, như vậy rất mất thời gian. Theo chị Ngọc dù có thể mua vé ngày, vé tháng với mức giá cho thuê là 5.000 đồng/30 phút cho xe đạp cơ và 10.000 đồng/30 phút cho xe đạp điện, song phương tiện này chỉ hợp để khách du lịch hoặc người dân trải nghiệm vào dịp cuối tuần thư thả.
Là một người dân thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng trong quá trình di chuyển, anh Thái Sơn (Tây Hồ- Hà Nội) cho rằng, mô hình này đã bỏ lỡ một bộ phận người trung niên và cao tuổi muốn trải nghiệm. Vì để thuê được xe đạp, người dùng cần phải tải ứng dụng TNGo về điện thoại thông minh, sau đó liên kết với các tài khoản ngân hàng, ví điện tử để sử dụng, nên nhiều người chưa mặn mà. Mặt khác, giá vé xe bus tính theo tháng dao động khoảng 55.000 – 200.000 đồng. Người đi xe bus có thể đi bất kỳ xe nào tiện chuyến và đi bao lâu tùy thích. Người cao tuổi được miễn vé xe bus. Trong khi đó, giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách; trong đó, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng/lượt với quãng ngắn nhất.
Thêm nữa, người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé. Như vậy, có thể thấy giá vé xe đạp cho thuê không có tính cạnh tranh với các phương tiện công cộng khác. Xe đạp sẽ phù hợp hơn với cự ly 5km trở lại và sẽ hiệu quả nếu được kết nối tốt với phương tiện công cộng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xe đạp công cộng sẽ chỉ là phương tiện phụ trợ, kết nối giao thông công cộng trong tương lai.
Dịch vụ công ích cho xã hội
Theo thống kê từ Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội), từ khi hoạt động thí điểm đến nay dịch vụ đã thu hút hơn 208 nghìn khách đăng ký, trung bình mỗi ngày có gần 700 khách đăng ký mới. Có gần 340 nghìn chuyến đi đã được thực hiện. Trên toàn bộ khu vực triển khai thực hiện thí điểm chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nào liên quan đến hoạt động của xe đạp đô thị. Đáng chú ý, theo lãnh đạo Trí Nam, dù được miễn phí sử dụng vỉa hè, song, dịch vụ cho thuê xe đạp vẫn chưa thể có lãi khi chi phí đầu tư giai đoạn đầu là hơn 6,4 tỷ đồng nhưng doanh thu chỉ đạt hơn 3,7 tỷ đồng. Trong đó, lượng khách hàng thường xuyên, sử dụng vé tháng chiếm khoảng 33,02%, 80% người thuê xe có độ tuổi từ 18 – 40, 18 – 22 tuổi chiếm 31% và 22 – 40 tuổi chiếm 49%.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, dịch vụ xe đạp đô thị bước đầu đã có được kết quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, thông minh và giảm thiểu ùn tắc giao thông. Việc triển khai xe đạp đô thị phù hợp với xu hướng phát triển giao thông công cộng xanh, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu di chuyển ngắn, linh hoạt của người dân. Dịch vụ cũng góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân. Phía UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhìn nhận, xe đạp công cộng phù hợp với xu thế phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.”Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng góp phần đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân”, ông Quyền nói.
Vậy làm thế nào để một chủ trương “đi” vào được lòng dân, thu hút sự quan tâm, chú ý và quan trọng hơn cả là giúp người dân tạo thêm được thói quen mới? Không phủ nhận sự cần thiết phát triển dịch vụ xe đạp công cộng, song một số chuyên gia giao thông cũng nhận định do số lượng trạm xe đạp còn thấp, hạ tầng đường bộ chưa đồng bộ với hệ thống xe đạp, một số khu vực chưa có đủ điều kiện về mặt bằng để đặt trạm xe đạp… nên xe đạp công cộng chưa thực sự tiện dụng. Đáng nói hơn, hiện vẫn chưa có phương án tích hợp kỹ thuật cho xe đạp, xe đạp điện, bãi đỗ, kết nối với hạ tầng vận tải công cộng, lựa chọn loại xe hành trình. Các quy định pháp lý liên quan (sử dụng vỉa hè và mức phí) chưa hoàn chỉnh. Đây cũng là khó khăn khi triển khai chính thức dịch vụ xe đạp đô thị.