Kênh đào thủ công dài nhất Việt Nam niên đại 200 năm: 80.000 nhân lực đào ròng rã 5 năm, là tuyến giao thông quan trọng nối liền các cửa khẩu quốc tế

Con kênh này giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, giao thương hàng hóa.

Ngày 14/11, tại TP. Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824-2024). Qua đó đề xuất giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh đào Vĩnh Tế trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Kênh Vĩnh Tế là một công trình lịch sử vĩ đại ở Đồng bằng sông Cửu Long đầu thế kỷ 19. Trải qua 200 năm, con kênh đào thủ công này luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện.

Kênh Vĩnh Tế dài gần 91km, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc (tỉnh An Giang) nối với sông Giang Thành thuộc thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) rồi đổ ra biển Tây Nam.

Ảnh chụp Kênh Vĩnh Tế vào năm 1929. Ảnh Internet

Theo sử liệu triều Nguyễn, công trình đào kênh Vĩnh Tế là một thành quả rất to lớn với số nhân công lên đến trên 80.000 người, thời gian đào kênh suốt 5 năm, từ tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819) đến tháng 5 năm Giáp Thân (1824) qua bao nhiêu khó khăn, cản trở thì hoàn tất.

Trải qua 2 thế kỷ, kênh Vĩnh Tế giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện, tuyến giao thông “huyết mạch”, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, giao thương hàng hóa.

Kênh Vĩnh Tế là nơi cung cấp nước ngọt, bồi đắp phù sa cho ruộng đồng cả vùng Tứ giác Long Xuyên. Trên hết, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Một góc kênh Vĩnh Tế hiện nay. Ảnh Internet

Ngày 29/10 vừa qua, UBND tỉnh An Giang cũng đã tổ chức Lễ đón nhận kỷ lục “Kênh Vĩnh Tế – Kênh đào thủ công dài nhất Việt Nam”.

Quyết định 1369/QĐ-TTg, ngày 15/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định kênh Vĩnh Tế nằm trên hành lang biên giới từ tỉnh Long An đến tỉnh Kiên Giang, chủ trương phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Kênh Vĩnh Tế tạo nên hành lang kinh tế nối liền các cửa khẩu quốc tế, như: Tịnh Biên, Vĩnh Xương (An Giang) với cảng biển Hà Tiên (Kiên Giang). Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản một cách nhanh chóng và tiết kiệm.