Trung Quốc từng yêu cầu các hãng xe Phương Tây phải chuyển giao công nghệ nếu muốn kinh doanh tại nước này. Giờ đây, điều ngược lại đang diễn ra với các hãng xe điện Trung Quốc muốn tiếp cận thị trường Châu Âu.
Tờ Financial Times (FT) cho hay Châu Âu đang có kế hoạch buộc các công ty Trung Quốc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp địa phương ở mảng xe điện nhằm đổi lấy trợ cấp của chính phủ như một phần cân bằng chế độ thương mại hiện nay.
Nguồn tin của FT cho hay các tiêu chí mới được xây dựng sẽ yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc phải xây nhà máy tại Châu Âu và chia sẻ công nghệ thì mới được tham gia khoản hỗ trợ 1 tỷ Euro cho ngành ắc quy tại đây, vốn chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2024.
Những tiêu chí mới này cũng sẽ được triển khai cho các chương trình trợ cấp khác của Liên minh Châu Âu (EU).
Đây được cho là điều trớ trêu khi chính Trung Quốc từng gây áp lực buộc các công ty nước ngoài phải chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ của họ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường.
Theo FT, đây là dấu hiệu thể hiện sự cứng rắn của Châu Âu với các hãng xe Trung Quốc, đồng thời bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất địa phương.
Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã áp mức thuế lên tới 35% đối với xe điện của Trung Quốc, bên cạnh mức thuế hiện hành là 10%. Nền kinh tế này cũng đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các công ty xe điện xin trợ cấp từ chính phủ. Cụ thể bất kỳ sản phẩm nào muốn nhận trợ cấp thì tỷ lệ linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc phải dưới 25%.
Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách chuyển hướng dòng lũ xe điện giá rẻ của mình sang EU sau khi gặp khó với thị trường Mỹ.
Tuy nhiên một số chuyên gia khác lại cho rằng EU đang gặp khó khi muốn đạt mục tiêu khí thải nhà kính nhưng nền kinh tế yếu kém buộc họ phải phụ thuộc vào hàng nhập khẩu giá rẻ.
Brussels cũng đã đưa các mục tiêu sản xuất trong nước vào luật nhằm thúc đẩy các công nghệ sạch được
Chuyên gia cao cấp Elisabetta Cornago tại Trung tâm nghiên cứu cải cách châu Âu (CER) cho biết EU đang “cố gắng tìm ra nhiều ý tưởng” để củng cố các biện pháp phòng vệ thương mại của mình “chống lại khả năng tràn ngập hoặc chuyển hướng dòng chảy thương mại của Trung Quốc sang châu Âu”.
Theo đó, việc giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động nhập khẩu công nghệ của Trung Quốc sẽ gây áp lực buộc các công ty như CATL của Trung Quốc, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, thành các siêu nhà máy (Gigafactory) tại châu Âu.
Hiện công ty này đã đầu tư hàng tỷ Euro vào các nhà máy ở Hungary và Đức.
Trong khi đó, hãng Envision Energy có trụ sở tại Thượng Hải cũng đang đầu tư hàng trăm triệu Euro vào các cơ sở ở Tây Ban Nha và Pháp.
Xin được nhắc rằng hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất Châu Âu là Northvolt có trụ sở tại Thụy Điển đang đứng bên bờ vực phá sản khi phải vật lộn để tăng sản lượng.
Mặc dù vậy, Bộ thương mại Trung Quốc đã cảnh báo các nhà sản xuất ô tô trong nước không nên đầu tư lớn vào châu Âu và chỉ nên thiết lập dây chuyền sản xuất cho khâu lắp ráp cuối cùng nhằm tránh những bất ổn địa chính trị.
Ắc quy vốn là một phần quan trọng của xe điện, chiếm hơn 1/3 chi phí, khiến chuỗi cung ứng pin trở nên quan trọng đối với ngành sản xuất ô tô châu Âu.