Thu nhập giảm một nửa, vắng khách, nằm vắt mình trên xe hàng giờ để chờ khách là tình trạng chung của nhiều xe ôm công nghệ hiện nay. Mặc dù từng được xem là nghề “hái ra tiền” nhưng vì tính cạnh tranh cao, không ổn định, nhiều lái xe công nghệ không còn mặn mà xem đây là nguồn thu nhập chính.
Tài xế xe ôm công nghệ nằm vắt mình trên xe vì vắng khách. Ảnh: Bích Ngọc
Thu nhập giảm 50%
Bắt đầu công việc chạy xe ôm công nghệ từ năm 2017, anh Bùi Văn Cường (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) từ lâu đã xem đây là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình.
Theo tài xế này, cách đây khoảng 2 năm, trung bình mỗi ngày anh Cường thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Nhưng hiện nay, thu nhập giảm đi một nửa khoảng 300 – 400 nghìn đồng/ngày.
Lí giải về nguyên nhân thu nhập giảm sút, anh Cường cho biết, bây giờ nhiều hãng xe ôm công nghệ ra đời, hơn nữa đây là công việc không đòi hỏi bằng cấp, thời gian linh động chỉ cần chịu được nắng gió, chạy xe liên tục ở ngoài đường thì có thể gắn bó được. Do vậy, ngày càng có nhiều người tham gia.
“Cả ngày hôm nay tôi chạy được khoảng 10 cuốc xe, được khoảng 300 nghìn đồng, giảm một nửa. Gia đình tôi có 3 đứa con, đang tuổi ăn, tuổi lớn, tôi lại là thu nhập chính của gia đình. Không bằng cấp, cũng quen với tính chất công việc, bấp bênh nhưng không thể không làm vì nếu nghỉ thì tiền đâu mà nuôi con” – anh Cường cho biết.
Không khả quan hơn, anh Đỗ Văn Mạnh (Thanh Trì, TP Hà Nội) gần 3 giờ đồng hồ nằm vắt mình trên xe chờ khách nhưng cũng chỉ nhận được 1 lượt đặt xe.
“Từ 12h trưa đến gần 15h chiều, tôi nhận được một lượt khách đặt xe, chạy được 43.000 đồng. Chưa kể, vừa mới nhận được một lượt khách chạy hơn 1km thì khách hủy cuốc, thế là coi như mất tiền xăng, mất công sức” – anh Mạnh cho hay.
Không thể xem là nghề chính
Theo anh Đỗ Văn Mạnh, mặc dù gắn bó với công việc chạy xe ôm công nghệ từ lâu nhưng người tài xế này chưa từng xem đây là công việc mang lại thu nhập chính.
“Lúc nhàn rỗi thì lấy xe ra chạy, kiếm thêm đồng nào thì hay đồng đó. Hơn nữa, giờ mỗi gia đình cũng ít nhất 1-2 chiếc xe máy, giàu thì có cả ô tô thì họ đâu có đi xe ôm, đa số khách đặt xe toàn là khách du lịch, người ở khu vực thành phố thì khá ít” – anh Mạnh bộc bạch.
Lúc mới thịnh hành, xe ôm công nghệ còn được xem là nghề mang lại thu nhập chính. Nhưng bây giờ, từ sinh viên đến người lao động tự do đều có thể tham gia, do đó mà thu nhập càng bấp bênh – anh Mạnh cho biết thêm.
Sinh viên ngành Điện lạnh (TP Hà Nội) P.V.T cho biết: “Năm cuối rồi nên em cũng có nhiều thời gian, tranh thủ chạy để có đồng ra đồng vào. Chạy rồi mới biết công việc này vất vả, nguy hiểm, nhất là giờ cao điểm vừa buồn ngủ, vừa đói”.
Xe ôm công nghệ chờ khách. Ảnh: Bích Ngọc
Theo sinh viên này, mặc dù có tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp phải chạy xe ôm công nghệ nhưng không thể xem đây là công việc chính. “Em nghĩ, tính chất công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh nên chỉ phù hợp lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập chứ không thể xem là công việc chính” – T nói.
Theo một nghiên cứu giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng công bố vào cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 200 nghìn lái xe công nghệ của Grab, có mặt ở 46 tỉnh, thành. Trong đó, 26% lái xe công nghệ của Grab có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Theo chia sẻ của nhiều tài xế chạy xe công nghệ, mức chiết khấu cố định hiện tại của tài xế GoRide là 30%, GrabBike là 31% còn beBike không niêm yết cụ thể khoản thu này, nhưng dao động trên dưới 39%.
Trong khi đó, cách đây 1 năm, mức chiết khấu cố định của GrabBike và GoRide mới chỉ dừng lại ở 20%, beBike tầm khoảng 25%.