Phú Thọ – Cơ quan chức năng đã lắp đặt hàng loạt gồ giảm tốc tại các điểm đấu nối với tuyến đường liên vùng nối tỉnh Phú Thọ với tỉnh Yên Bái.
Gồ giảm tốc đã được lắp đặt tại các điểm đấu nối với đường liên vùng đoạn qua huyện Cẩm Khê. Ảnh: Tô Công.
Dự án Xây dựng tuyến đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 2.120 tỉ đồng.
Sau hơn 3 năm thi công, đến nay đã có hơn 50 km chiều dài của tuyến chính được bàn giao, đưa vào sử dụng, đi qua các huyện: Tam Nông, Cẩm Khê, Hạ Hòa của tỉnh Phú Thọ nối vào huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Tính đến cuối năm 2024, hơn 50 km chiều dài tuyến chính đường liên vùng đã được bàn giao, đưa vào sử dụng. Ảnh: Tô Công.
Trên toàn tuyến, có rất nhiều điểm giao cắt với quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ… nhất là đoạn qua địa phận huyện Cẩm Khê. Theo thống kê, đường liên vùng có gần 30 km qua huyện Cẩm Khê thì có khoảng 120 điểm giao cắt với đường liên vùng.
Trên thực tế, trước khi được bàn giao, đưa vào sử dụng, tuyến đường đã được thẩm tra kỹ lưỡng về an toàn giao thông, được lắp đặt dày đặc hệ thống biển/đèn cảnh báo, sơn các loại vạch kẻ đường, gờ giảm tốc…
Hàng loạt chốt chặn được lập trên tuyến đường liên vùng tại các đoạn chưa được nghiệm thu. Ảnh: Tô Công.
Tuy nhiên, là một tuyến đường mới hoàn toàn, cộng với việc có rất nhiều điểm đấu nối, giao cắt như đã nêu ở trên, vì vậy đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian qua.
Anh Hoàng Văn Thanh – người dân sống tại khu 7, xã Phú Khê (xã Tạ Xá cũ), huyện Cẩm Khê – kể: “Thời gian qua, trên đường liên vùng đoạn qua xã Tạ Xá, giáp xã Chương Xá (nay là xã Nhật Tiến) xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm 2 người chết. Đường thì rất đẹp, đi lại thuận tiện, nhưng vì là đường mới nên người dân chưa hình thành được ý thức, thói quen, khi đi từ ngõ ra đường chính chưa đánh giá được sự nguy hiểm, cứ thế mà phi ra nên dễ xảy ra tai nạn”.
Mỗi điểm giao cắt với đường liên vùng là rất nhiều đèn/biển cảnh báo, vạch kẻ đường… Ảnh: Tô Công.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động những ngày cuối tháng 1, tại đầu các tuyến đường giao cắt với đường liên vùng nơi có khu dân cư đông đúc, có nhiều phương tiện đi lại thuộc địa phận huyện Cẩm Khê đã được lắp đặt các gồ giảm tốc.
Thường có 2 gồ giảm tốc ở đầu đường nối với tuyến đường liên vùng. Ảnh: Tô Công.
Các gồ giảm tốc này được bố trí đã đột ngột thay đổi cao độ mặt đường, gây sự chú ý cho người điều khiển phương tiện lưu thông nhằm cảnh báo, cưỡng bức giảm tốc độ phương tiện bằng trực quan và vật lý khi lưu thông từ đường nội bộ ra đường chính (đường liên vùng).
Trước khi các phương tiện ra đến gồ giảm tốc sẽ đi qua những gờ giảm tốc. Ảnh: Tô Công.Số lượng các gồ giảm tốc tại các điểm đấu nối thường là 2 đoạn, trước khi đi đến các gồ giảm tốc này, cơ quan chức năng đã bố trí thêm một số gờ giảm tốc và cắm biển để cảnh báo người điều khiển phương tiện.
Có biển cảnh báo để các phương tiện có thể biết phía trước có gồ giảm tốc. Ảnh: Tô Công.
Tại một số vị trí, gồ giảm tốc không chiếm toàn bộ mặt đường mà để trống khoảng 50 cm về phía 2 lề để các xe thô sơ vẫn có thể dễ dàng lưu thông.
Một số đoạn được ‘chừa’ ra phần lề đường để xe thô sơ dễ dàng lưu thông. Ảnh: Tô Công.
Lắp đặt gồ giảm tốc là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến đường liên vùng. Ảnh: Tô Công.
Qua trải nghiệm thực tế, có thể thấy mức độ tác động đến người điều khiển phương tiện ở mức vừa phải, không quá mạnh.