Chiếc xe có giá vài tỷ bạc bị một cậu học sinh cấp 2 làm xước, tuy nhiên cái cách nam sinh này giải quyết vấn đề nhận được rất nhiều lời khen.
Khi nuôi dạy con cái, việc dạy trẻ biết cám ơn và xin lỗi là vô cùng quan trọng, điều này sẽ cho trẻ học cách biết tự chịu trách nhiệm với những hành động mình làm, từ đó góp phần vào quá trình trưởng thành của trẻ.
Tại Trung Quốc có một vị đại gia họ Trương khiến nhiều người trầm trồ khi tậu hẳn một chiếc Lamborghini Gallardo trị giá vài triệu nhân dân tệ, tức là có thể lên đến vài tỷ đồng. Chiếc xe này chỉ cho tay chơi xe, giới nhà giàu mới dám bỏ tiền ra để mua.
Một ngày nọ, anh Trương lái chiếc xe này đến gặp bạn bè nhưng tại đó không có chỗ đậu xe công cộng nên anh đành phải để chiếc xe sát lề đường. Không ngờ khi quay lại, chiếc xe bóng loáng, mới tinh của anh bỗng xuất hiện vài vết xước nham nhở.
Tất nhiên, chủ nhân chiếc xe đã nổi giận đùng đùng vì giá trị chiếc xe quá cao việc có một vết trầy thôi cũng là điều tồi tệ và rất tốn chi phí để sửa. Anh tự hỏi trong đầu ai lại vô ý thức, bất cẩn trên đường để đâm vào xe anh.
Khi anh Trương dần bình tĩnh lại, anh phát hiện một tờ giấy được dán ở đầu xe, điều này làm anh tò mò nên đã lại gần và kiểm tra thì phát hiện đó là mẩu giấy do người làm xước xe để lại. Nội dung bên trong tờ giấy đã khiến người đàn ông khá xúc động. Được biết, người làm trầy xước xe anh là một cậu học sinh cấp 2. Trong lúc đi trên đường, cậu bé đã vô tình va phải chiếc xe đắt tiền.
Trong lá thư, nam sinh cho biết mình thành thật xin lỗi chủ xe, đồng thời khẳng định rằng mình không trốn tránh trách nhiệm mà đã cố đợi chủ nhân chiếc xe tới nhưng mãi không thấy đâu. Do đó, cậu bé đã để lại vài dòng chữ kèm thông tin liên lạc của mình. Cậu bé nói rằng mình sẵn sàng chịu bồi thường và sẽ giải quyết vụ việc cho đến cùng.
Chính bức thư khiến bao nhiêu nỗi bực dọc của anh Trương tan biến hết. Một cậu nhóc biết xin lỗi, biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình chứng tỏ đó là đứa trẻ ngoan. Chẳng người lớn nào lại muốn trách phạt một cậu bé đáng yêu như thế. Anh đã gọi điện theo số điện thoại mà cậu nhóc để lại và nói rằng em không cần bồi thường gì cả.
Cha mẹ phải giáo dục con cái sống tử tế, đây là tiền đề rất quan trọng trong hành trình học làm người của bất kỳ ai.
Bất kỳ ai cũng phải mắc sai lầm và không hề hoàn hảo tuyệt đối, có sai lầm khó bù đắp, có những lỗi nhỏ vụn vặt nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng phải có dũng khí để chịu trách nhiệm. Đặc biệt là khi chúng ta gây ra tổn hại cho người khác, nếu trốn tránh trách nhiệm thì rất có thể sẽ gây ra những tổn hại lớn hơn mà tới thời điểm mình không thể khắc phục được.
Do đó, người lớn nên dạy trẻ cách biết tự chịu trách nhiệm, biết nói lời xin lỗi chân thành. Khi đối phương cảm nhận được sự chân thành của con trẻ và hiểu rằng điều xảy ra là không mong muốn thì việc tha thứ sẽ dễ dàng hơn.