Maserati trước nguy cơ phải ‘chuyển nhà’: Doanh số không tệ nhưng chưa đủ, hãng mẹ muốn tập trung bán xe bình dân

Việc lợi nhuận giảm sâu trong khi các đối thủ tăng trưởng khiến Stellantis sẵn sàng khai tử bất cứ thương hiệu nào không mang lại lợi nhuận cho họ và Maserati, bất chấp danh tiếng của mình, không phải là ngoại lệ.

Stellantis – tập đoàn sáp nhập từ 2 thế lực hàng đầu Bắc Mỹ (FCA) và châu Âu (PSA) vào cuối tháng 7 này vừa công bố kết quả tài chính 6 tháng đầu năm 2024. Quãng thời gian này chứng kiến lợi nhuận của họ giảm 48% so với cùng kỳ 2023 xuống còn 6,07 tỷ USD. Thông tin này lập tức khiến giá cổ phiếu Stellantis trượt dốc 8,5%.


CEO Stellantis Carlos Tavares cho biết kết quả tồi tệ trên chủ yếu tới từ mảng kinh doanh của họ tại “sân nhà” Bắc Mỹ. Doanh số Bắc Mỹ của Stellantis đi xuống 16% trong bối cảnh toàn thị trường đi lên. Vị lãnh đạo này cũng cảnh báo hãng sẽ không nhân nhượng với những thương hiệu không mang lại lợi nhuận.


Ram là “con gà đẻ trứng vàng” cho Stellantis nhưng thương hiệu này chỉ có chỗ đứng tại Bắc Mỹ nên không thể tác động nhiều tới kết quả toàn cảnh của Stellantis. Ảnh: Carscoops
“Nếu họ (các thương hiệu thuộc Stellantis) không sinh ra tiền, chúng tôi sẽ loại bỏ họ”, vị CEO chia sẻ với báo giới có mặt trong đó có tờ Reuters danh tiếng. Những thương hiệu được đồn đoán sẽ bị Stellantis khai tử hoặc bán đi bao gồm Lancia, DS và đặc biệt đáng chú ý là Maserati. Ngoài ra, Stellantis sẽ ra mắt “ít nhất 20 xe mới” để cải thiện tình hình ngay trong năm nay.

Trên thực tế, doanh số năm tài chính 2023 của Maserati không tồi. Họ bán ra 26.689 xe trong giai đoạn này, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy vậy, đây là con số khó lòng có thể mang lại lợi nhuận đủ lớn trong bối cảnh chi phí nghiên cứu phát triển công nghệ mới tăng mạnh.


Maserati là cái tên bị báo giới Mỹ đề cập tới khả năng bị Stellantis khai tử hoặc đổi chủ trong tương lai. Ảnh: Maserati
Ngoài ra, có thể nói chưa chắc chiến lược lâu dài của Stellantis đã phù hợp để Maserati có thể tiếp tục phát triển. Tập đoàn này thiên về các thương hiệu xe bình dân nhiều hơn với các tên tuổi cấp cao hơn như Alfa Romeo hay Maserati trong đội hình đều không thể vươn bật lên được. Liệu đã đến lúc Maserati nên được chuyển giao cho một đơn vị mẹ “mát tay” hơn?

Maserati là một trong những thương hiệu xe sang lâu đời nhất làng xe thế giới. Thành lập vào năm 1914 tại Bologna, Ý, thương hiệu này sở hữu biểu tượng đinh ba danh tiếng. Giai đoạn vàng của hãng là những năm 2014 tới 2018 với doanh số đỉnh 51.500 xe vào 2017. Tuy vậy, giờ doanh số trung bình của hãng chỉ còn khoảng 25.000 xe/năm từ đầu thập kỷ này trở lại đây.

Trên thực tế, Maserati luôn duy trì doanh số 25.000 xe trong những năm gần đây nhưng con số này là quá khiêm tốn so với các đối thủ của hãng tới từ Đức. Ảnh: Maserati