Do bất đồng trong sử dụng ngõ chung, ông K. đã tự ý mang những đồ vật cồng kềnh chặn nửa lối đi, khóa một cánh cổng, khiến cuộc sống của hàng xóm “dở khóc dở cười”.
Khóa cánh cửa, kê đồ chặn lối đi chung
Đi làm thêm về khuya, Phan Đức Anh (20 tuổi) không dám dắt xe máy vào nhà trọ tại số 1, ngõ 61 Thái Thịnh (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội). Các bãi gửi xe xung quanh đã đóng cửa, Đức Anh rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”, bất lực phải sang nhà bạn ngủ nhờ.
Thuê trọ tại đây gần một năm, nhưng khoảng 2 tháng qua, nam sinh viên chịu cảnh có nhà nhưng không thể dắt xe máy vào, dù tầng một dành riêng làm hầm để xe.
Mọi việc bắt nguồn từ bất đồng giữa hai gia đình ông N.T.H. và ông N.V.K. tại số nhà 1 và 3 ngõ 61 Thái Thịnh. Con ngõ rộng 1m giữa hai nhà, được thể hiện rõ trong sổ đỏ của từng hộ là “ngõ đi chung”. Tuy nhiên, ông K. đã tự ý mang những đồ vật cồng kềnh chặn nửa lối đi, khóa một cánh cổng do… “một nửa ngõ là đất nhà mình”.
Gia đình ông K. vẫn có lối đi phía trước mặt ngõ 61 Thái Thịnh, còn đối với nhà ông H., con ngõ này chính là lối đi duy nhất.
“Từ đó, cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn, không thể đi xe máy vào nhà hay vận chuyển đồ đạc do nửa con ngõ quá chật hẹp”, Đức Anh than thở, nói xem xét chuyển chỗ trọ do không thể tiếp tục chịu đựng tình cảnh như thế này.
Chàng trai 20 tuổi tiết lộ, sở dĩ ông K. chặn nửa con ngõ vì không muốn hàng xóm kinh doanh loại hình phòng trọ. Người đàn ông than phiền việc sinh viên, người thuê trọ về khuya, đi lại bằng xe máy gây ồn ào, ảnh hưởng giấc ngủ của gia đình.
Hai nhà số 1 và 3 ngõ 61 Thái Thịnh do bất đồng dẫn đến việc tranh chấp ngõ đi chung, gia đình ông K. đã khóa một bên cổng.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Huyền (21 tuổi) quay lại nhà trọ, ngạc nhiên khi ngõ chung bị khóa một bên cánh cửa, xung quanh lắp thêm nhiều camera. Do không sử dụng xe máy, nữ sinh cảm thấy không quá bất tiện khi di chuyển trong ngõ. Song, điều cô lo ngại là vấn đề an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy.
“Nếu không may xảy ra sự cố, lực lượng chức năng sẽ khó tiếp cận bên trong tòa nhà, đe dọa tính mạng chúng tôi”, Huyền nói.
Cô gái trẻ cho hay, khoảng một tuần nay, gia đình ông K. còn kê thêm một chiếc tủ sắt lớn, chắn ngang con ngõ. Nhiều người thuê trọ phải gửi xe bên ngoài, vừa tốn thêm chi phí, vừa ảnh hưởng sinh hoạt, công việc.
Mất tình làng xóm vì ngõ đi chung ở Hà Nội: Khóa một cửa, kê tủ chặn lối – 2
Tranh chấp lối đi chung khiến những người thuê trọ nhà ông H. đảo lộn cuộc sống, khó khăn di chuyển.
Hòa giải nhiều lần nhưng bất thành
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư chi bộ Tổ dân cư số 7, phường Thịnh Quang, cho biết tranh chấp ngõ chung giữa gia đình ông H. và K. đã diễn ra khoảng 10 năm, tổ dân phố nhiều lần hòa giải nhưng bất thành.
Theo ông Tiến, ông H. đã làm đơn “kêu cứu”, phản ánh việc ngõ chung bị gia đình ông K. kê đồ đạc gồm giá bát đũa, tấm kính,… theo hình zic zac, chặn gần như lối di chuyển. Những người thuê trọ phải ngồi trên xe máy lách vào ngõ rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Tổ dân phố đã tổ chức hòa giải, triệu tập nguyên đơn – bị đơn, nhưng không có kết quả, nên chuyển vụ việc lên cấp phường.
Ngày 26/1/2022, phường Thịnh Quang chủ trì buổi hòa giải. Tại đây, chính quyền xác định “theo sổ đỏ, đây là ngõ chung giữa hai nhà, không ai được phép kê thêm đồ đạc”, đồng thời yêu cầu mở cánh cửa còn lại, nhưng ông K. không chấp hành.
Một năm sau, ông H. tiếp tục làm đơn kiến nghị. Sát Tết Nguyên đán, giữa người thuê trọ nhà ông H. và ông K. xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến hành động phá khóa gây vỡ kính hộ dân xung quanh. Dù người thuê trọ sau đó đã khắc phục sự cố, nhưng sự việc này đã đẩy “cuộc chiến” giữa hai gia đình lên đến đỉnh điểm.
Ngày 22/2, chính quyền một lần nữa đứng ra hòa giải, giải quyết ngõ đi chung giữa nhà số 1 và số 3 ngõ 61 Thái Thịnh. Ông K. cho biết sẽ mở khóa cửa ngõ, với điều kiện hàng xóm không kinh doanh loại hình thuê trọ, không gây ồn ào.
“Nếu ông H. sống với gia đình tại đây thì ông K. sẽ đồng ý trả lại không gian ngõ chung. Ông này nói rằng người thuê trọ đi lại qua ngõ gây ồn ào, nhất là nửa đêm, khiến vợ chồng không thể ngủ”, ông Tiến nói.
Kết luận cuộc họp, lãnh đạo UBND phường Thịnh Quang cho biết, nếu hai gia đình không thể thỏa thuận về việc sử dụng ngõ đi chung, đề nghị họ tuyệt đối không lắp, dựng, đặt hoặc để đồ vật lên phần đất này.
Chính quyền cũng đề nghị gia đình ông K. nếu gặp các vấn đề về người và xe gây mất trật tự trong ngõ đi chung, cần chủ động thông báo tới nhà ông H., tổ dân phố, công an phường và các cơ quan chức năng để giải quyết, không được tự ý khóa cửa, kê đồ vật cản trở ngõ đi chung.
Ngoài ra, việc ông K. nói rằng “ngõ chung chỉ hai nhà được quyền đi lại, còn những người khác không được phép” là không có cơ sở giải quyết. Phường đề nghị tổ dân phố, cảnh sát khu vực phối hợp giám sát, vận động hai gia đình đảm bảo an ninh trật tự ngõ xóm, khu dân cư và sử dụng ngõ đi chung theo đúng quy định, chủ động lắp đặt hệ thống camera để quản lý sử dụng con ngõ.
“Sau cuộc họp, ông K. vẫn chia đôi ngõ, dù không đặt đồ đạc theo hình zic zac nữa, nhưng kê thêm tủ sắt lớn, áp vào tường nhà mình, chỉ dành một lối đi 50cm cho người thuê trọ nhà ông H. Tôi đã cảnh báo, nếu không may xảy ra hỏa hoạn hay sự cố, thì người chịu trách nhiệm liên đới cũng là ông K. vì đã cản trở lối đi”, Bí thư chi bộ Tổ dân cư số 7 thông tin.
Bó tay vì nhiều lần hòa giải bất thành, ông Tiến cùng cơ quan chức năng thuyết phục người thuê trọ nhà ông H. gửi xe bên ngoài để đảm bảo an toàn. Tổ dân phố mong muốn hai gia đình sớm thống nhất phương án giải quyết, giữ hình ảnh “tình làng nghĩa xóm”.
“Tôi nghĩ ‘cuộc chiến’ này còn kéo dài, hai bên khó có tiếng nói chung, đề nghị chính quyền cấp trên vào cuộc”, ông Tiến cho hay.
Kéo nhau ra tòa phân thắng – thua
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, việc tranh chấp lối đi chung diễn ra phổ biến trong xã hội. Trên thực tế, có những mâu thuẫn, tranh chấp lối đi chung kéo dài dù đã được chính quyền địa phương hòa giải nhưng các bên vẫn kiện tụng nhau ra tòa, gây sứt mẻ tình nghĩa đôi bên.
Trong vụ việc này, việc hàng xóm không sử dụng lối đi này nữa nên đã khóa một cánh cửa và để đồ của mình chiếm một nửa lối đi đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của những người đồng sử dụng. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có với những người dân xung quanh, mất tình làng nghĩa xóm.
Theo luật sư Tiền, pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng về lối đi chung, cụ thể tại khoản 2 Điều 254 Bộ luật Dân sự: “Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định”.
Luật sư cho biết, khi các bên cùng thỏa thuận và thống nhất cùng sử dụng lối đi chung thì đồng nghĩa với việc lối đi đó hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của các bên. Bên nào có hành vi cản trở lối đi chung bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
Cụ thể, Điều 16 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định:
“Trường hợp bên nào đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng”.
Ngoài ra, bên vi phạm cũng buộc phải áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Theo ông Tiền, tại các thành phố lớn, đông dân cư như Hà Nội, TP.HCM, nhiều khu dân cư với số lượng nhà san sát nhau nhưng chỉ sử dụng duy nhất một lối đi chung chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Do đó, nếu cá nhân có hành vi cản trở lối đi chung trong trường hợp này, ngoài việc vi phạm pháp luật về đất đai, còn có thể gây ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, thậm chí thiệt hại về người.
Hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ vào mức độ thiệt hại (tài sản, sức khỏe, tính mạng) mà hành vi gây ra.
Ông Trần Xuân Tiền cho biết, trong hầu hết các tranh chấp dân sự giữa các bên, pháp luật luôn ưu tiên phương pháp giải quyết theo hướng thỏa thuận, hòa giải.
Mặt khác, đối với các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đất đai, Điều 202 Luật Đất đai 2013 cũng quy định rõ: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”. Nếu các bên không thể tự hòa giải được có thể nhờ UBND cấp xã, phường nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
“Trong trường hợp các bên đã tự hòa giải và chính quyền địa phương đã tổ chức hòa giải nhưng không thành, thì khởi kiện ra tòa án là phương án giải quyết cuối cùng”, ông Tiền nói.
Trên thực tế, phần lớn các vụ tranh chấp đất đai thường không thể hòa giải, mà phải nhờ tòa án giải quyết, làm ảnh hưởng tình cảm hàng xóm, thậm chí nhiều người không nhìn mặt nhau sau tranh chấp.
Ngoài ra, việc khởi kiện lên tòa án phải thực hiện theo một thủ tục, quy trình rất phức tạp và kéo dài, không chỉ tốn kém chi phí mà còn mất nhiều thời gian. Nhiều vụ việc đằng đẵng vài năm hoặc chục năm, gây mệt mỏi, bức xúc cho các bên mà còn chưa thể phân định thắng – thua.
“Để tránh mất tình nghĩa láng giềng, người dân nên vì lợi ích chung, nhường nhịn nhau, tránh khiến vụ việc tranh chấp trở nên phức tạp”, luật sư khuyến