Sau 14 năm chờ đợi, từ sáng 8/8, đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội sẽ được vận hành thương mại.
Trong 15 ngày đầu, tất cả hành khách đi tàu được miễn phí. Thông tin này khiến cho nhiều người háo hức và tò mò: Tuyến metro này sẽ hoạt động như thế nào, và liệu có khác biệt so với tuyến metro Cát Linh – Hà Đông?
Dự án đường sắt đô thị số 3 Nhổn – Ga Hà Nội sử dụng 10 đoàn tàu được nhà sản xuất Alstom, Cộng hòa Pháp thiết kế riêng. Đoàn tàu được sơn ba màu: xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng. Màu đỏ tượng trưng cho quả thanh long, màu xanh tượng trưng cho cây lúa. Thiết kế này đã đạt giải thưởng thiết kế ngoại thất tại Pháp.
Metro Nhổn – Ga Hà Nội vận hành đoạn trên cao từ ngày 8/8. Ảnh: Hữu Chánh/ Báo Lao động.
Hệ thống toa tàu được sản xuất theo công nghệ hiện đại nhất của Pháp và các nước châu Âu hiện nay. Công nghệ chạy tàu hiện đại, thân thiện với môi trường. Điểm nổi bật của đoàn tàu Nhổn – Ga Hà Nội là việc tiêu hao nhiên liệu thấp, chỉ bằng 1/3 so với xe buýt và 1/4 so với xe ô tô cá nhân.
Hệ thống đường sắt của tuyến theo khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và có thiết bị chống trật bánh tàu. Mỗi đoàn tàu có bốn toa sử dụng động lực phân tán với động cơ đặt dưới gầm tàu, chạy bằng điện công suất 750V DC được cấp ở đường ray thứ ba để đảm bảo tính an toàn, tính ổn định và mỹ quan đô thị, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới.
Tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội chạy thử đoạn trên cao, ngày 5/8. Ảnh: Hữu Chánh/ Báo Lao động.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội dài là 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy dài 8,5 km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy – Ga Hà Nội dài 4 km.
Ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đến nay toàn bộ đoạn trên cao từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy dài 8,5 km đã hoàn thành thi công, lắp đặt và vận hành thử. Công tác nghiệm thu cũng đã hoàn tất.
Từ sáng 8/8, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội sẽ được vận hành thương mại. Thời gian chạy tàu từ 5h30 đến 22h, tần suất 10 phút một chuyến tại tất cả nhà ga trên cao.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội dài là 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.
Những ngày gần đây nhiều người vẫn còn lo ngại về hiện trạng còn ngổn ngang ở nhiều ga trên tuyến đường sắt đô thị này. Anh Đoàn Duy Bảo, Bí thư Đoàn thanh niên Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, trong sáng 7/8, các đoàn viên thanh niên đã dọn dẹp vệ sinh tại nhà ga và xung quanh nhà ga.
Khác với tuyến Cát Linh – Hà Đông, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội có hai đường ray. Tay nắm tại tuyến Cát Linh – Hà Đông là tay nhựa cứng, còn tại tuyến Nhổn – Ga Hà Nội là dây cao su giúp hành khách thoải mái khi tàu di chuyển. Phần trụ trên tàu ở tuyến Nhổn – Ga Hà Nội cũng khác với tuyến Cát Linh – Hà Đông khi có thanh cầm giúp hành khách đứng thoải mái hơn.
Trên tàu có đủ điều hòa, loa phát thanh, hệ thống camera quan sát cùng nhiều trang bị khác. Bên trong có chỗ dành riêng cho khách đi xe lăn, chỗ cho người cao tuổi. Các hàng ghế được làm bằng vật liệu tổng hợp, tăng sự thoải mái cho hành khách trong quá trình di chuyển và tránh được cảm giác lạnh vào mùa đông.
Sơ đồ tuyến tàu và thời gian tàu chạy.
Do có thiết kế ga ngầm nên đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội được trang bị đèn LED tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp khi đi vào đoạn ngầm. Mỗi đoàn tàu có khả năng chở từ 944 – 1.124 người. Vận tốc tối đa đạt 80 km/h, vận tốc khai thác trung bình là 35 km/h.
Khu ga Depot bảo dưỡng các toa tàu tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội hoàn toàn độc lập trên cơ sở các trang thiết bị được cung ứng từ châu Âu. Công nghệ rửa tàu theo công nghệ tự động của Pháp, quá trình làm sạch toàn bộ đoàn tàu chỉ diễn ra trong ba phút.
Hệ thống rửa tàu tự động trang bị trên tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội. Ảnh: Báo Giao thông.
Hiện tại, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội đã hoàn thiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội. Thành phố thiết lập 36 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị này, trong đó có 33 tuyến trợ giá. Mạng lưới tuyến xe buýt cơ bản tạo được sự kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội bằng hệ thống xe buýt.
36 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội. Ảnh: Báo Hà Nội mới.
Sau 15 ngày chạy miễn phí, Hanoi Metro sẽ chính thức bán vé. Giá vé đi cả tuyến từ Nhổn đến Cầu Giấy dự kiến là 12.000 đồng; giá vé ngày là 24.000 đồng. Mức giá này thấp hơn tuyến Cát Linh – Hà Đông do chiều dài tuyến ngắn hơn, 8,5 km so với 13 km. Giá vé có thể sẽ thay đổi sau khi dự án thông nốt 4 km đi ngầm.
Đối với vé tháng, mức giá sẽ ngang bằng tuyến Cát Linh – Hà Đông là 200.000 đồng/tháng với hành khách thường và 100.000 đồng/tháng với hành khách là học sinh/sinh viên. Các chính sách miễn phí, giảm giá, bảo hiểm cho từng nhóm khách hàng sẽ được duy trì tương tự tuyến Cát Linh – Hà Đông.