Ngoài trạm sạc, đâu là những yếu tố quan trọng giúp xe điện có thể phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam?

Ai cũng biết rằng trạm sạc là yếu tố quan trọng nhất để xe điện có thể phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên liệu đó có phải là tất cả?

Những năm gần đây ở nước ta quá trình chuyển đổi phương tiện giao thông từ xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang xe điện diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên vẫn còn không ít người tỏ ra chần chừ trước ý định thay đổi bởi những vướng mắc chưa được tháo gỡ, trong đó có việc hoàn thiện hạ tầng trạm sạc.

Liên quan vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Võ Quang Huệ – Tổng Giám đốc Công ty tư vấn dịch vụ đầu tư VOCIS, Nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup.

PV: Xin chào ông Võ Quang Huệ, thời gian vừa qua xe điện đã trở thành một trào lưu và là một xu hướng rất nhiều người dân ở TP.HCM ở Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên một yếu tố mà nhiều người còn đang lo ngại tới thời điểm này là điểm sạc. Theo ông thì đâu là những vướng mắc khiến cho quá trình triển khai các trạm sạc tại TP.HCM và tại nhiều địa phương khác còn gặp khó khăn?

Ông Võ Quang Huệ: Điện hóa lưu thông cũng là một việc tất yếu cần phát triển, do đó việc xây dựng những hệ thống sạc pin là rất quan trọng và nếu không có các hệ thống như thế thì chúng ta sẽ khó mà phát triển mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, như chúng ta đã thấy một số công ty như Vinfast đã tạo ra một số trạm sạc cho những tòa nhà, ở một số nơi công cộng, tuy nhiên nó vẫn còn chưa đủ. Về việc này thì tôi nghĩ là về mặt nhà nước cần có sự hỗ trợ để giúp đỡ cho việc phát triển này và việc này rất cần nguồn vốn rất lớn.

Thậm chí là chúng tôi có những nghiên cứu cho thấy rằng cả nước Việt Nam phải cần đến mức 10 hay 15 tỷ USD để xây dựng hệ thống trạm sạc rộng khắp và đủ để đáp ứng được cái nhu cầu phát triển cho trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một giải pháp mà các công ty ô tô đang đưa ra và cũng sẽ nhắm tới hơn nữa, đó là việc sạc qua điện bình thường tại nhà cho xe máy điện hoặc xe ô tô.


Ông Võ Quang Huệ – Tổng Giám đốc Công ty tư vấn dịch vụ đầu tư VOCIS, Nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup
Riêng về thành phố thì tôi rất mong thành phố chúng ta, nhất là khi đã ký kết Net Zero thì phải dứt khoát hơn nữa trong việc đưa xe buýt điện vào hoạt động trong nội đô.

Việc này vừa giúp cho môi trường xanh, sạch, ít tiếng ồn hơn. Và thứ hai nữa là nếu TP.HCM đi trước cái việc này cũng là tạo ra cái cái dấu ấn có thể thúc đẩy cái việc này cho cả nước Việt Nam ta.

PV: Ở góc độ vĩ mô thì hiện nay dù cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất sát sao trong việc phát triển giao thông xanh để có thể hướng tới mục tiêu COP 26 là Net Zero. Tuy nhiên, trên thực tế cái việc phối hợp hỗ trợ và tháo gỡ những vướng mắc từ các bộ, ngành vẫn còn rất nhiều trục trặc. Theo ông thì ở góc độ vĩ mô công tác chỉ đạo và phối hợp đó cần được thúc đẩy như thế nào ạ?

Ông Võ Quang Huệ: Dĩ nhiên là nền kinh tế chúng ta hiện nay đang có nhiều yêu cầu khác nhau ở trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cho nên Chính phủ luôn phải cân bằng để giải quyết những vấn đề đấy chứ không thể chỉ dừng ở một vấn đề.

Tuy nhiên, trở lại câu chuyện của lưu thông xanh, sạch cho thành phố, cho cả nước thì ở những quốc gia khác thí dụ như ở Trung Quốc hay phương Tây khi thúc đẩy đưa xe điện vào trong đời sống thực tế thì họ có những chính sách hỗ trợ giá và giúp đỡ cho cho người dân có thể tiện dụng trong việc sử dụng.

Ngoài ra thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho trạm sạc cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, của các cơ quan công quyền nhiều hơn nữa.


Ảnh minh hoạ: Vinfast
Việc này tôi hi vọng rằng sẽ có sự chuyển biến trong việc thúc đẩy các mối quan hệ hỗ trợ mạnh mẽ hơn và nhất là luật hóa nhiều vấn đề.

Ví dụ như vấn đề sạc pin trong trong những tòa nhà cao ốc như thế nào thì được gọi là bảo đảm an toàn và phải cần thiết phải được quy định như thế nào trong tòa nhà mới sau khi xây dựng để có cơ sở thực hiện được những trạm sạc.

Tôi nghĩ, những điểm đấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!