Thái Lan vừa phát hiện hàng loạt mẫu nho sữa Trung Quốc có chất cấm độc hại. Đáng chú ý, loại nho “quý tộc” ngon ngọt này đang được bày bán la liệt ở chợ Việt, trong đó loại rẻ nhất chỉ hơn 20.000 đồng/kg.
Mới đây, Mạng lưới cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nho sữa sau khi phát hiện hầu hết mẫu trái cây thu thập được đều chứa dư lượng hóa chất độc hại vượt quá mức tối đa cho phép.
Cơ quan này trước đó đã mua 24 mẫu nho phổ biến từ nhiều địa điểm khác nhau vào đầu tháng 10. Kết quả, 23/24 mẫu nho Shine Muscat (nho sữa) được thử nghiệm đều phát hiện nhiễm chất độc hại. Trong đó, có 9 mẫu nho sữa được xác định là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 15 mẫu còn lại không xác định được xuất xứ.
“Chúng tôi khá sốc khi thấy 23 trong số 24 mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép”, Prokchon Usap – điều phối viên của Thai-PAN bày tỏ.
Thai-PAN kiểm tra và phát hiện nhiều mẫu nho sữa Trung Quốc có dư lượng chất độc hại vượt ngưỡng cho phép. Ảnh minh họa: NVCC
Đáng chú ý, 1 mẫu nho sữa phát hiện có thuốc trừ sâu bị cấm ở Thái Lan; 22 mẫu chứa 14 dư lượng hoá chất có hại vượt quá giới hạn an toàn và 50 dư lượng thuốc trừ sâu khác. Nhiều loại thuốc trừ sâu có khả năng thẩm thấu vào nho giúp tươi lâu hơn.
Nho Shine Muscat (nho sữa) là giống nho nổi tiếng của Nhật Bản. Loại nho này xuất hiện tại thị trường Việt gần chục năm nay với số lượng khá khiêm tốn vì giá đắt đỏ.
Chỉ vài năm gần đây, khi Trung Quốc mở rộng vùng trồng, nho sữa mới đổ bộ chợ Việt với số lượng lớn, giá cũng ngày càng rẻ.
Loại nho sữa này quả to, màu xanh bóng bẩy, có hạt hoặc không có hạt. Khi nho chín ăn có vị ngọt đậm và thơm mùi sữa khá đặc biệt. Hiện nho sữa Trung Quốc được rao bán la liệt tại các siêu thị, cửa hàng, chợ online và phủ khắp hàng rong vỉa hè với giá siêu rẻ nên rất hút khách.
Trên thị trường, nho sữa được bán phổ biến với giá 50.000-80.000 đồng/kg. Thậm chí, có loại giá chỉ 20.000-30.000 đồng/kg – rẻ như giá rau ngoài chợ.
Trung bình một đầu mối bán trái cây có thể tiêu thụ hết vài chục cân đến vài tạ nho sữa Trung Quốc mỗi ngày. Còn ở hệ thống cửa hàng trái cây, con số nho sữa bán ra mỗi ngày lên tới hàng tấn, thậm chí vài tấn.
Thời gian gần đây, nho “quý tộc” xuất xứ Trung Quốc trở thành loại trái cây khoái khẩu của nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, khi hay tin cơ quan chức năng Thái Lan phát hiện nho sữa Trung Quốc có “chất cấm” và nhiều dư lượng hoá chất có hại vượt ngưỡng cho phép, không ít người tiêu dùng lo lắng vấn đề an toàn, bởi mặt hàng này đang bán tràn ngập chợ Việt.
Nho sữa được bày bán la liệt chợ Việt với giá siêu rẻ. Ảnh: Tâm An
Trên các diễn đàn mạng xã hội, thông tin Thái Lan phát hiện nho sữa Trung Quốc có chất cấm được chia sẻ rầm rộ, kèm theo cảnh báo mọi người nên cẩn trọng khi mua ăn. Không ít bà nội trợ Việt cảm thấy “lo lo” trước thông tin này.
Chị Nguyễn Thuỳ Dương – đầu mối bán trái cây online ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) – thừa nhận, sau khi có thông tin nho sữa Trung Quốc bị phát hiện có dư lượng chất độc hại vượt ngưỡng ở Thái Lan, lượng nho bán ra trong ngày hôm nay giảm mạnh.
Trước đó, cả bán buôn và bán lẻ mỗi ngày chị Dương tiêu thụ hết khoảng 1 tấn nho sữa, nay con số bán ra còn chưa đến 4 tạ. “Nhiều người cũng lo sợ vấn đề an toàn khi biết thông tin nho sữa có chất độc hại”, chị chia sẻ.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9 năm 2024, các thương nhân và doanh nghiệp ở nước ta đã chi ra 696,59 triệu USD (tương đương khoảng 17.400 tỷ đồng) để mua các mặt hàng rau quả Trung Quốc, trong đó có nho sữa.
Không chỉ vậy, trong danh sách các loại trái cây nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam, nho luôn là mặt hàng đứng thứ hai.
Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp trái cây lớn nhất cho thị trường Việt Nam.
Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, 100% các lô hàng rau quả nhập khẩu về Việt Nam đều phải kiểm dịch thực vật. Còn vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, việc lấy mẫu kiểm tra sẽ theo tần suất tùy thuộc vào từng mặt hàng. Nếu mặt hàng có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, tần suất lấy mẫu kiểm tra sẽ tăng lên và ngược lại.
PV.VietNamNet đã liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề kiểm soát nhập khẩu các loại trái cây Trung Quốc nói chung và nho sữa Trung Quốc nói riêng và đang chờ câu trả lời từ cơ quan này.