“Tôi hay bỗ bã, rất vô tư, không được chỉn chu và nghĩ sao nói vậy… Còn Xuân Bắc mực thước, khuôn khổ, ăn nói kín kẽ nên tỉ lệ người ghét tôi nhiều hơn Xuân Bắc”, NSND Tự Long chia sẻ.
“Xuân Bắc nhiều ưu điểm lắm”
Kể từ năm 1994 đến nay, đã gần 3 thập kỷ đi qua, Tự Long – Xuân Bắc vẫn song hành cùng nhau mỗi khi chạy show hay ra sản phẩm mới – trở thành cặp bài trùng không thể tách rời. Điều gì khiến 2 anh kết hợp với nhau lâu đến vậy?
– Đó là sự tôn trọng mới đi được cùng nhau, kết hợp với nhau.
Mọi người vẫn thường nói, một rừng không thể có 2 con hổ, một nước không thể có 2 vua, một sân khấu có thể nhiều nghệ sĩ kết hợp thành một nhóm để cộng tác nhưng một lúc nào đó cũng tách ra thôi.
Nghệ sĩ kết hợp với nhau khó lắm. Vậy mà tôi và Xuân Bắc đã “chịu đựng” nhau, nhẫn nhịn nhau để cùng diễn, cùng làm nghề gần 3 thập kỷ rồi.
“Mối tình” này đúng là hiếm có khó tìm thật (cười). Chúng tôi gần như không tách rời: Có Xuân Bắc là có Tự Long và ngược lại.
Cả hai thống nhất nếu một đơn vị trả cát-xê cao nhưng chỉ mời một người diễn, chúng tôi sẽ từ chối. Thỉnh thoảng, tôi muốn đóng cặp với người khác cũng phải thông báo cho Xuân Bắc: “Mày ơi, có chỗ này thân thiết mà họ lại muốn tao đóng với Quang Thắng, Công Lý. Mày xem có được không?”. Đó là sự tôn trọng lẫn nhau.
Không chỉ là “cạ” của nhau trên sân khấu, chúng tôi còn ở với nhau từ thời sinh viên, vì vậy, ngoại trừ vợ, con ra thì hầu như có sự việc hoặc vấn đề gì xảy ra trong cuộc sống, chúng tôi cũng chia sẻ được hết.
Về cơ bản chúng tôi hiểu nhau từ ngày xưa. Thậm chí, người ta bảo Xuân Bắc nói thế này hay thế kia thì tôi biết ngay Xuân Bắc có nói hay không.
Chúng tôi tin nhau tuyệt đối nên mới sống được. Không bao giờ có chuyện nghe người khác nói rồi có suy nghĩ và quan điểm lệch lạc về nhau.
Cả hai gắn bó lâu nên diễn rất ăn ý, hiểu nhau đến độ chỉ cần nhìn vào mắt nhau là hiểu người kia muốn dùng chiêu trò gì để còn tung hứng. Khi đóng với Xuân Bắc, tôi cảm thấy cả hai sẽ có sản phẩm tốt nhất nên càng muốn gắn bó.
Tự Long – Xuân Bắc gắn bó và ở với nhau từ thời sinh viên. Không chỉ là “cạ” của nhau trên sân khấu, ngoài đời họ còn là những người bạn tri kỷ không thể tách rời (Ảnh: Facebook nghệ sĩ).
Điều gì ở Xuân Bắc anh cảm thấy quý và phục nhất?
– Con người của Xuân Bắc là tấm gương của sự chịu khó về học hỏi, tố chất rất thông minh. Ở Xuân Bắc, ngoài tố chất và tư cách ra thì sự nghiêm túc trong nghề nghiệp là điều mình cần phải học.
Nghiêm túc ở đây là từ sáng tạo trong nghệ thuật đến hình ảnh của nghệ sĩ khi bước lên sân khấu: Xuân Bắc đặt danh dự của người nghệ sĩ rất cao và chỉn chu.
Nhiều người có thể đại khái nhưng với Bắc, khi cảm thấy chưa chắc và chuẩn thì bao giờ cậu ấy cũng phải tập dượt lại mới bước ra sân khấu. Sự nghiêm túc đó không phải chỉ với bản thân Xuân Bắc mà còn với những bạn diễn.
Đó là điều không phải ai cũng làm được vì khi đến một nấc nào đó, mọi người thường cho mình cái quyền “như thế là được rồi” nhưng với Xuân Bắc thì không bao giờ đủ.
Kể từ lúc còn sinh viên cho tới bây giờ đã giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam hay đi diễn nhóm cũng thế, Xuân Bắc vẫn phải tập trung một cách nghiêm túc, từng giây từng phút ra sân khấu phải sang trọng, chuẩn chỉ và định hướng khách quan.
Đó là điều tôi phục và tôn trọng Xuân Bắc.
Tự Long và Xuân Bắc trong chương trình “Táo quân” 2018 (Video: VFC).
Còn tật xấu của Xuân Bắc thì sao? Đều là những nghệ sĩ có tên tuổi, cả hai tiết chế cái tôi của mình như thế nào?
– Ai cũng có cái tôi riêng, mà cái tôi của nghệ sĩ thì lớn lắm. Nếu người nào cũng bảo vệ quan điểm và cách làm của mình, không tiếp thu sự góp ý của nhau sẽ không thể tồn tại được.
Khi kết hợp cùng, càng phải chấp nhận những mặt tốt đẹp nhất và cả những gì xấu nhất.
Tôi ví von mình nhịn Xuân Bắc như… nhịn cơm sống. Chẳng hạn, khi đi ô tô cùng, tôi phải bật máy lạnh hết cỡ còn Xuân Bắc không chịu được. Mỗi lần như vậy là Bắc lấy khẩu trang bịt mũi vì cậu ấy bị xoang không thở được, còn tôi thì nóng.
Đi xe mà như hai gái cùng lấy một chồng, cãi nhau um cả lên (cười).
Hay khi đi diễn, tôi bị toát mồ hôi không một chỗ nào không có, Bắc thì chẳng giọt nào, cứ như đi chơi, nhìn phát ghét.
Tôi hay bỗ bã, rất vô tư, không được chỉn chu, nghĩ sao nói vậy, nó thuộc về cá tính rồi, giờ khéo léo và thân thiện quá sẽ không phải là mình. Còn Xuân Bắc mực thước, khuôn khổ, ăn nói kín kẽ, phải nghĩ và chắt lọc, nên tỉ lệ người ghét tôi nhiều hơn Xuân Bắc.
Riêng về tật xấu… Xuân Bắc có nhiều lắm, đặc biệt là hay đến muộn.
Tôi vẫn thường nói vui, nếu sau này Xuân Bắc không làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nữa thì về làm “giám đốc nông trường cao su”. Hẹn giờ… người ta cái lốp cao su đã đành, đằng này ông ấy là cả một nông trường cao su luôn (cười). Tôi làm việc ở Nhà hát Chèo Quân đội, là dân lính nên lúc nào cũng đúng giờ.
Bắc tác phong chậm, từ đi lại đến ăn uống. Nhiều lúc, mọi người vội vàng ăn nhanh để làm việc thì Bắc mới bắt đầu vào bữa, khiến cả ê-kíp phải chờ hoặc cậu ấy cứ vừa ăn vừa làm.
Xuân Bắc cũng hay chỉnh, rèn và nhắc lắm. Những cái nhắc đó là rất nhỏ nhưng nếu tích tụ thành cái lớn thì khó làm việc với nhau.
Nó nhắc kiểu rất khó chịu, như bố dạy con vậy, lắm khi cũng căng thẳng. Tôi cũng biết, nhiều khi cũng căng lại, bảo có nhất thiết phải căng thẳng thế không, nó lại dịu đi.
Nhưng về cơ bản 10 lần nhắc thì mình tiếp thu 9 lần, mình nói lại nhưng về sau vẫn phải nghe vì nó nói đúng và có ý tốt.
“Xuân Bắc không bao giờ để tôi thiệt”
Người ta vẫn nói “thân nhau lắm thì cắn nhau đau”, hai anh đã bao giờ cãi vã, mâu thuẫn đến mức muốn “từ bỏ” nhau?
– Chúng tôi giải quyết xung đột và mâu thuẫn ngay tại chỗ bằng sự tranh biện, chứ không giấu hay cất đi.
Cãi nhau thì có nhiều, mỗi lần Xuân Bắc sửa và chỉnh mình lại cãi nhau nhưng xong rồi lại thôi. Nó không thuộc về những vấn đề cần phải nhớ, để bụng.
Tuy nhiên, thú thật, trong 29 năm, chúng tôi suýt bỏ nhau hai lần. Trong đó, có một lần Bắc hẹn tôi ra quán trà đá ở Phan Đình Phùng (Hà Nội).
Bắc nói: “Tao nghĩ đến lúc phải tách ra thôi”, rồi phân tích một loạt những điều lợi, hại khi diễn riêng. Thế nhưng cuối cùng mọi chuyện lại đâu vào đấy, chẳng rời nhau được.
Anh nói sao trước thông tin, nhiều đơn vị muốn mời Xuân Bắc – Tự Long diễn nhưng không được vì giá cát-xê cao quá?
– Điều đó là thật. Có những hoàn cảnh đúng nghĩa là “mua vui”, không phải chảnh nhưng chúng tôi không muốn làm thật, nên cứ thách giá cát-xê cao “trên trời” cho người ta chán và chạy.
Quan điểm của chúng tôi là có những đối tượng phục vụ không cần đặt nặng vấn đề tiền bạc lên trên như bộ đội, công an, trẻ em… Còn lại, đương nhiên phải hỏi đó là chỗ nào, làm cho ai với mục đích gì, không phải muốn diễn là diễn được.
Mình có đối tượng, có mục đích, còn vấn đề tiền bạc… nó vô cùng bởi mỗi người cảm nhận về nghệ thuật ở một trình độ và nhìn về nghệ sĩ ở các góc độ khác nhau.
Thú thật, có nơi trả chúng tôi vài trăm triệu trở lên như ở đám cưới, chúng tôi cũng không diễn. Vì ở đó chẳng có ai xem đâu.
Với tôi, biểu diễn phải có được không gian và sự trân trọng nhất định. Hạnh phúc của người nghệ sĩ là được khán giả yêu mến, được lan tỏa nghệ thuật tới công chúng, mình rất trân trọng nên không phải bằng mọi giá để làm mọi nơi, mọi chỗ.
Anh và Xuân Bắc chia tiền cát-sê ra sao?
– Bắc là người khéo léo hơn nên cậu ấy nắm chuyện tiền nong. Bắc thương lượng, chốt giá với bầu sô, nhà sản xuất. Cậu ấy đưa bao nhiêu tôi cầm bấy nhiêu, không bao giờ kì kèo. Tôi biết Bắc cũng không bao giờ để mình thiệt.
Vợ tôi cũng là diễn viên nhưng không bao giờ can thiệp vào công việc của chồng, cũng không hỏi đến chuyện cát-xê hoặc phàn nàn về cách phân chia của chúng tôi.
Tôi gắn bó với Xuân Bắc bao năm, trước cả khi lấy vợ mà (cười).
“Vợ là người nhẹ nhàng và chịu đựng tôi”
Ở tuổi ngũ tuần, anh lên chức bố lần 2, vậy có gì khó khăn hay thú vị?
– Thực ra, là con của nghệ sĩ sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Công việc đặc thù nên sáng tôi đi làm khi con út chưa thức dậy, tôi về, con đã ngủ rồi. Nó là nghề và nghiệp, trước đây tôi phải trải qua, sau này con tôi cũng thế. Tôi sẽ tìm cách bù đắp cho con.
Mỗi sáng, tôi vẫn thích chở cháu lớn đi học. Người khác có thể chỉ đưa con tới trường nhưng tôi phải đưa tận cửa lớp, tôi cảm nhận được sự hạnh phúc đó vì ngày xưa mình không được như vậy.
Đi đâu cũng thế, cứ tới 22h30 là các con bắt đầu gọi í ới: “Bố ơi! bố ở đâu, bố về ngủ với con đi”. Ai cũng bảo vợ dạy nhưng không phải. Xuân Bắc thì hay ghen, những lúc như thế ngồi bên cạnh lại sốt xình xịch (cười) bảo cậu ấy đi từ sáng đến đêm chẳng thấy ai gọi.
Tôi không nghĩ chăm con là khó khăn hay vất vả, tôi thích mua đồ về và vào bếp nấu cơm cho con ăn. Trẻ con nhà tôi thích cơm bố nấu, hợp khẩu vị của bố. Về khoản đầu bếp, tôi cũng tự chấm mình được 9,5 điểm đấy!
Nhà tôi có giúp việc nhưng không bao giờ giúp việc phải nấu cơm. Bà nấu còn không ăn được, đồ mình cho bà làm là hỏng hết. Nên thôi, để mình tự nấu.
Lấy vợ trẻ, ít hơn mình 1 giáp lại xinh đẹp, anh là người chiều vợ hay vợ chiều anh hơn?
– Còn lâu tôi mới chiều (cười).
Cách quan tâm của tôi với mọi người trong gia đình thường không hay tiểu tiết còn vợ tôi rất chịu đựng và hay quan tâm chi tiết.
Tôi sinh ra và lớn lên với cuộc sống không được sung túc, không nhất thiết phải thế này thế kia nhưng vợ quan niệm tôi là nghệ sĩ của công chúng nên đi đâu cũng cần ăn mặc chỉn chu, luôn mong chồng đẹp trong mắt mọi người.
Túi tôi, vợ mua bắt thay liên tục, trước kia 1-2 ngày mới thay bộ quần áo. Ngày xưa tôi chỉ thích 1 loại nước hoa thôi nhưng giờ thấy vợ có nhiều cũng hay… xịt trộm.
Nói chung, tôi cũng cảm thấy may mắn khi đi diễn thì ông Xuân Bắc chỉnh, về nhà có vợ.
Tôi ăn to nói lớn, vợ thì nhẹ nhàng nên phải chịu đựng tôi nhưng “hội chịu đựng đó” hay kiểu “lầm lì mà giết voi” lắm! (cười).
Bí quyết để hôn nhân bền chặt dù anh đã qua 1 lần đổ vỡ?
– Tôi nghĩ, ngoài sức mạnh của tình yêu, còn có cái gọi là số phận. Giờ nói tôi có tài hay bí quyết gì nó hơi sáo rỗng.
Tôi tin phải có tình yêu thật, hai là duyên số. Trong cuộc sống, cũng giống như Xuân Bắc với tôi vậy, muốn sống được thì phải chịu đựng nhau. Mà vợ chồng, sự chịu đựng là tự nguyện. Tức là mình chấp nhận cả những cái tốt, cái xấu, kể cả những cái chưa được của nhau.
Với quan điểm của tôi – một người đàn ông sống truyền thống thì sự gắn kết và chia sẻ trong gia đình là vô cùng quan trọng. Nếu mình không thật sự tin tưởng và chia sẻ với nhau thì rạn nứt rất dễ xảy ra.
Tôi tự tin có hậu phương vững chắc. Vợ tôi không chỉ yêu mà còn hết lòng vì con cái và gia đình.
(Theo Dân Trí)