Phượt Trung Quốc bằng Land Cruiser 34 năm, nam 9x chia sẻ: ‘Không túi khí, không công nghệ, cảm giác lái bằng 0… nhưng niềm vui bắt đầu từ số 0’

Chiếc Toyota Land Cruiser 1991 giúp cho chuyến đi của Ngô Kỳ Phong thêm phần thú vị.

Ngô Kỳ Phong được biết đến với những hành trình lái xe xuyên lục địa từ Việt Nam đi đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bạn trẻ 9x này đã cùng những chiếc xe của mình đặt chân đến nhiều nước trong khu vực và toàn cầu như: Đông Nam Á, châu Á, châu Âu…

Trong những chuyến đi đó, Ngô Kỳ Phong thường sử dụng những mẫu xe đời mới, cao cấp như Mercedes-Benz ML350, Mercedes-AMG G63, Toyota Land Cruiser 300, Land Rover Defender hay những chiếc mô tô phân khối lớn.


Bước sang năm 2025, Ngô Kỳ Phong tiếp tục thực hiện một chuyến đi từ Việt Nam, qua Trung Quốc trong một hành trình dài khoảng 15.000km. Đặc biệt, chuyến đi này sử dụng chiếc Toyota Land Cruiser sản xuất năm 1991. Đây có lẽ là chiếc xe mang biển số Việt Nam nhiều năm tuổi nhất lăn bánh tại Trung Quốc.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện ngắn để hiểu hơn về chuyến đi này của Ngô Kỳ Phong.

Chào Phong. Vì sao bạn chọn một chiếc xe đã hơn 30 năm tuổi cho chuyến đi lần này?


Ngô Kỳ Phong cùng người bạn đời trong hành trình phượt Trung Quốc bằng chiếc Toyota Land Cruiser 1991.

Trước đây, mình đã thực hiện nhiều chuyến đi với đủ loại phương tiện khác nhau, từ mô tô, ô tô đến máy bay. Còn với chuyến đi này, mình muốn tận hưởng sâu hơn 1 quốc gia, 1 vùng đất hay chỉ đơn giản là 1 ngôi làng.

Những điểm đến trong chuyến này hầu hết mình đều đã từng đặt chân qua. Nhưng mỗi 1 chuyến đi là 1 câu chuyện. Thay vì tận hưởng những cao tốc thẳng tắp hay những đường hầm dài hàng chục km. Chuyến đi này mình muốn đi thật chậm, hiểu thật sâu và nhìn thật rõ đời sống, bản làng của những nơi mình đi qua.

Theo kế hoạch và lịch trình, 90% chuyến đi sẽ lăn bánh qua các cung đường quốc lộ, tỉnh lộ và địa hình.

Vậy trước một chuyến đi khó khăn đầy thách thức như vậy, Phong đã chuẩn bị gì cho chiếc xe của mình?


Đây là một chiếc xe đã lăn bánh hơn 30 năm, quãng đường đã đi qua có thể lên tới 1 triệu km. Vì thế, đây không phải là một chiếc xe hoàn hảo mà cần phải kiểm tra kỹ càng trước khi xuất phát.

Xe được bảo dưỡng, chăm sóc lại toàn bộ. Bên cạnh đó, xe còn được nâng cấp hệ thống treo, mâm lốp mới, bộ tời, hệ thống đèn chiếu sáng… Không những thế, mình còn phải chuẩn bị thêm những phụ tùng, phụ kiện đề phòng trường hợp cần thay thế, sửa chữa.

Khi so sánh với những chiếc xe hiện đại và cao cấp hơn ở các chuyến đi trước, việc sử dụng chiếc Land Cruiser 70 này có gì khó khăn?

Khó khăn đầu tiên là việc xe sử dụng hệ truyền động 2 cầu cứng, kích thước xe nhỏ gọn nhưng gầm cao. Điều này khiến ngồi trong xe sẽ có cảm giác “xóc như xe ngựa”, không êm ái, không yên tĩnh, không có nhiều tiện nghi. Vì thế, việc di chuyển những chặng dài 600-800km/ngày đòi hỏi nhiều sức khỏe.

Xe không có các công nghệ hỗ trợ lái, kèm với đó là hộp số sàn nên mình phải tập trung hơn khi lái, nhất là mỗi lần đi qua các khu đô thị đông đúc ở Trung Quốc.

Kích thước xe nhỏ, không gian nội thất không quá rộng rãi nên không để được quá nhiều đồ. Việc này đòi hỏi kỹ năng đóng gói đồ đạc cũng như chuẩn bị đúng đủ những đồ vật cần thiết cho hành trình.


Nhiều khó khăn như thế, liệu Land Cruiser 70 có điều gì thuận lợi hơn so với những chiếc xe trước đây hay không?

Đầu tiên, xe có kích thước nhỏ nên mình dễ dàng đi sâu vào các bản làng nhỏ ven đường để tìm hiểu phong tục tập quán của người dân. Hoặc trên đường bất ngờ gặp một con suối nhỏ có thể xuống “nghịch nước” được ngay.

Tiếp theo, chiếc xe này không có nhiều công nghệ hiện đại, chủ yếu là các chi tiết cơ khí nên mình có thể “nhẹ đầu” hơn. Một chiếc xe với các cơ cấu đơn giản sẽ giúp mình giảm thiểu tối đa thiệt hại khi đi vào các cung đường địa hình.

Vậy Phong đánh giá như thế nào về cảm giác cầm lái chiếc xe đặc biệt này?

Cảm giác lái bằng 0. Nhưng niềm vui luôn bắt đầu từ số 0. (cười) Xe lái rất nhàn nhưng cũng rất cực.

Đối với đường xấu, đường địa hình, cầm lái Land Cruiser 70 trở nên nhàn nhã đến lạ. Mình chỉ cần cài cầu, vào số rồi nhả côn và việc còn lại là… tận hưởng.

Nhưng với những đoạn đường nhựa dài hàng nghìn kilomet, mình cần phải tập trung cao độ khi cầm lái. Bởi vì, xe không có hệ thống chống trượt ESP, chống bó cứng phanh ABS khiến việc di chuyển qua các đoạn đường tuyết rất nguy hiểm.

Cầm lái một chiếc xe đã hơn 3 thập kỷ, việc tăng tốc không đơn giản chỉ là một cú đạp ga như trên xe hiện đại. Xe số sàn, động cơ không quá khỏe nên mỗi lần vượt xe trên các cung đường ở Tân Cương, Tây Tạng cần nhiều kỹ năng hơn. Mình phải tính toán được khoảng cách với các xe khác, cảm nhận được sức mạnh động cơ, kết hợp với sự quan sát cẩn thận để mỗi lần vượt xe đều đảm bảo an toàn.

Chiếc xe này không có một công nghệ hỗ trợ nào cho người lái. Nhưng chính trong lúc này, mình mới thực sự cảm nhận được hòa hợp giữa con người với chiếc xe, giữa mặt đường với vô-lăng, tất cả hòa làm 1.

Cảm ơn Phong vì những chia sẻ này. Chúc chuyến đi thành công tốt đẹp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay