Sau một tuần thực hiện Nghị định 168: Tình trạng ‘nhờn’ luật đã giảm

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, thay thế Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP). Nghị định với những quy định hết sức nghiêm khắc đã góp phần thiết lập lại kỷ cương giao thông, giảm tình trạng “nhờn” luật.

Giờ cao điểm sáng 6/1 tại ngã tư Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội), người tham gia giao thông đi đúng làn đường, dừng chờ đèn đỏ đúng vạch kẻ đường, tạo hình ảnh đẹp về giao thông Thủ đô. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Mức phạt vi phạm giao thông là nội dung được nhiều người quan tâm thời gian qua. Có thể thấy, câu chuyện về tăng nặng mức xử phạt được trao đổi từ bữa cơm gia đình đến quán nước vỉa hè, từ các chuyến xe của tài xế công nghệ đến trên các phương tiện công cộng. Nội dung được quan tâm, trao đổi nhiều nhất chính là mức phạt đối với những hành vi vi phạm phổ biến nhất như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, điều khiển xe máy đi trên vỉa hè.

Theo quy định của Nghị định 168, điều khiển xe máy đi trên vỉa hè bị xử phạt từ 4 – 6 triệu đồng (tăng 10 lần so với trước đây) và trừ 2 điểm giấy phép lái xe. Với lỗi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông nếu như trước đây tài xế ô tô bị phạt 4 – 6 triệu đồng và người đi xe máy bị phạt từ 800 nghìn – 1 triệu đồng thì nay tài xế ô tô bị phạt từ 18 – 20 triệu đồng và xe máy bị phạt từ 4-6 triệu đồng. Cũng như vậy, với lỗi đi ngược chiều của đường một chiều, trước đây với ô tô bị phạt từ 4 – 6 triệu đồng, xe máy bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng thì theo Nghị định 168 sẽ bị phạt tương ứng là 18 – 20 triệu đồng và 4 – 6 triệu đồng.

Vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50mg – 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg – 0,4mg/1 lít khí thở… lái xe ô tô bị phạt từ 18 – 20 triệu đồng, lái xe máy bị phạt từ 6 – 8 triệu đồng.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị trừ điểm trên giấy phép lái xe tương ứng với mỗi lỗi vi phạm như lái xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu hay có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở sẽ bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe; vượt quá 50 – 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 – 0,4mg/lít khí thở bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe. Còn vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, lái xe bị tước ngay bằng lái 22 – 24 tháng. Không quy định trừ điểm.

Vượt đèn đỏ, cả lái xe ô tô và xe máy đều bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe, nếu gây tai nạn giao thông sẽ bị trừ 10 điểm.

Sau một tuần Nghị định 168 đi vào cuộc sống, có thể thấy những tác động rõ rệt từ những quy định của Nghị định này. Các hành vi vi phạm giao thông khá phổ biến, đặc biệt là ở các đô thị lớn như đi trên vỉa hè, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy… đã giảm đi phần nào, nhất là lỗi vi phạm vượt đèn đỏ.

Theo thống kê, từ ngày 1/1 – 6/1, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 71,68 nghìn trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nộp Kho bạc Nhà nước trên 187 tỷ đồng; tạm giữ 560 xe ô tô, trên 23.600 xe mô tô, 1579 phương tiện khác, tước gần 9.200 giấy phép lái xe. Trong số này, vi phạm nồng độ cồn trên 15.600 trường hợp, vi phạm về tốc độ 15.550 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 778 trường hợp, quá khổ giới hạn 129 trường hợp, vi phạm ma túy 167 trường hợp.

Nhìn vào con số xử lý vi phạm từng ngày cho thấy, số trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông giảm theo chiều hướng tích cực. Nếu như ngày đầu tiên thực hiện Nghị định 168, có 13.591 trường hợp bị xử phạt (vi phạm nồng độ cồn 2.789 trường hợp, vi phạm về tốc độ 3.105 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 241 trường hợp, quá khổ giới hạn 34 trường hợp, vi phạm ma túy 43 trường hợp) thì đến ngày 6/1, giảm còn 11.000 trường hợp (vi phạm nồng độ cồn 2.242 trường hợp, vi phạm về tốc độ 2.331 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 81 trường hợp, quá khổ giới hạn 9 trường hợp, vi phạm ma túy 19 trường hợp).

Chờ đón khách tại chợ Bến Thành, ông Nguyễn Văn H, tài xế taxi Mai Linh ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quy định xử phạt mới chế tài rất nặng nên ông không dám đậu xe vô tội vạ như trước đây. Khi dừng chờ đón khách cũng không dám rời xe. Do Cảnh sát giao thông Thành phố xử lý rất nghiêm, nên vào khung giờ cao điểm, xe máy cũng không đi nhanh hơn ô tô là bao vì người dân không dám vượt đèn đỏ hay leo vỉa hè.

Còn anh Hoàng Nguyên ở phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, nhân viên sale bất động sản chia sẻ, mỗi lần “dính phạt” là đi mất gần nửa tháng thu nhập nên không dám vi phạm. Tối 5/1, khi tiếng còi kết thúc trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 vang lên với chiến thắng thuộc về Đội tuyển Việt Nam, anh cũng như nhiều người dân Thành phố đổ ra đường ăn mừng chức vô địch của đội tuyển, nhưng không ai dám vượt đèn đỏ. Cảnh sát giao thông làm rất “chặt”.

Bị Đội Cảnh sát giao thông Tân Sơn Nhất xử lý vi phạm điều khiển xe đi trên vỉa hè tại giao lộ Cộng Hòa – Út Tịch (quận Tân Bình), anh H.M.T (sinh năm 1995) bị lập biên bản xử phạt hành chính 4-6 triệu đồng và trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe. Anh chia sẻ, không nghĩ mức phạt mới cao đến vậy, tương đương nửa mức thu nhập hàng tháng của anh, lần sau anh sẽ chú ý hơn, không dám vi phạm.

Với chế tài phạt nặng, các hành vi vi phạm giao thông phổ biến đã giảm bớt. Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy, nhiều shipper, lái xe công nghệ –  đối tượng vi phạm pháp luật về giao thông nhiều nhất, đã có ý thức tuân thủ pháp luật hơn. Nhiều người đã “biết” dừng chờ khi đèn đỏ, không đi ngược chiều, không điều khiển xe trên vỉa hè… bởi, mỗi lần vi phạm là “đánh” vào túi tiền của họ.

Tuy nhiên, vào khung giờ cao điểm, ở những khu vực không có Cảnh sát giao thông, nhiều người vì tiết kiệm thời gian, vì ngại đi thêm một đoạn đường vẫn cố tình đi xe trên vỉa hè, đi ngược chiều, như ở đường Nguyễn Xiển hướng đi Ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến.

Theo Công an thành phố Hà Nội, từ ngày 1 đến hết 4/1, trên địa bàn thành phố đã có 3.329 trường hợp vi phạm bị xử lý. Trong đó vi phạm vượt đèn đỏ 150 trường hợp, vi phạm đi vào đường cấm, đi ngược chiều 107 trường hợp, dừng đỗ sai quy định 479 trường hợp, vi phạm nồng độ cồn 690 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 1.114 trường hợp…

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, Cục đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về an toàn giao thông để tập trung xử lý nghiêm vi phạm, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ chiến sĩ để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông, góp phần tạo dần thói quen tốt khi tham gia giao thông, xây dựng nền giao thông văn minh, an toàn.
TTXVN/Báo Tin tức