Ô tô điện có lợi thế trong tình huống gặp ngập lụt, nhưng người sử dụng cần hiểu rõ giới hạn của xe và biết cách bảo dưỡng hợp lý sau khi di chuyển qua vùng nước sâu.
Miền Bắc vừa trải qua cơn bão số 3 với cấp độ siêu bão, kèm theo đó là cảnh báo mưa lớn với lưu lượng lên đến 300 mm. Trước tình hình này, nhiều người lo ngại về nguy cơ ngập lụt gây cản trở giao thông, đặc biệt đối với các phương tiện như ô tô.
Tuy nhiên, một đoạn video về chiếc xe điện băng qua vùng ngập sâu, vượt qua những chiếc ô tô chạy xăng bị chết máy đã thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội.
Trong đoạn video, chiếc xe điện biển vàng nổi bồng bềnh giữa “biển nước,” nhưng tài xế vẫn dễ dàng điều khiển xe vượt qua, trong khi một chiếc xe truyền thống chạy xăng phải chịu cảnh “chết máy”.
Cảnh tượng này đã khiến không ít người tán dương khả năng vượt lũ ấn tượng của xe điện. Trên thực tế, nhiều hãng xe đã tận dụng khả năng này để quảng cáo cho các mẫu xe điện của mình, từ đó gia tăng sự tự tin của các tài xế khi đối diện với tình huống ngập lụt.
Năm 2016, tỷ phú Elon Musk từng ca ngợi khả năng lội nước của dòng xe Tesla Model S. Ông viết trên Twitter rằng, Model S có thể nổi trong một khoảng thời gian ngắn như một chiếc thuyền, với các bánh xe tạo ra lực đẩy và khối pin được bảo vệ kín đáo.
Tương tự, BMW đã ghi rõ trong hướng dẫn sử dụng của BMW i3 rằng chiếc xe có thể đi qua vùng nước sâu tối đa 250 mm, với điều kiện xe di chuyển với tốc độ chậm, không vượt quá 5 km/h.
Jaguar I-Pace có khả năng lội nước sâu tới 500 mm, trong khi Nissan Leaf có thể vượt qua vùng ngập nước từ 300 đến 700 mm. Đặc biệt, mẫu YangWang U8 của BYD còn được quảng cáo có thể biến thành “thuyền” với khả năng vượt qua vùng nước ngập sâu tới 1.400 mm.
Lý giải cho khả năng lội nước vượt trội của xe điện, các chuyên gia cho biết điều này nằm ở thiết kế kháng nước của mô-tơ và bộ pin.
Khác với động cơ đốt trong, xe điện không cần hút khí tươi để trộn với nhiên liệu, nên không gặp nguy cơ nước xâm nhập vào cổ hút, dẫn đến hiện tượng thủy kích.
Hầu hết các xe điện hiện đại được trang bị khả năng chống nước tiêu chuẩn IP67, cho phép xe hoạt động bình thường ở độ ngập lên đến một mét trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn khả năng kháng nước của xe điện với việc nó có thể hoạt động như một chiếc “tàu ngầm”. Đã có nhiều trường hợp xe điện bị hư hại nghiêm trọng khi lội qua vùng nước ngập sâu.
Năm 2015, hãng Fisker Automotive đã ghi nhận 300 chiếc Karma bị hỏng do ngâm nước quá lâu sau một cơn bão. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với chiếc Tesla Model S bị lũ lụt mà kênh Rich Rebuilds từng sửa chữa, khi một module pin bị hỏng nặng do nước xâm nhập.
Mặc dù xe điện có khả năng lội nước tốt hơn xe động cơ đốt trong, nhưng người sử dụng cần thận trọng khi lái qua vùng ngập lụt.Nước ngấm vào các chi tiết kim loại và ron cao su có thể gây rỉ sét và giảm tuổi thọ xe, làm mất giá trị khi muốn bán lại.
Vì vậy, sau khi vượt qua đường ngập, tài xế nên nhanh chóng đưa xe đến nơi khô ráo và tiến hành vệ sinh kỹ lưỡng, đặc biệt là các chi tiết dưới gầm và hệ thống điện.
Hơn nữa, việc lái xe an toàn và cẩn trọng, giống như khi điều khiển xe xăng, vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.