‘Thông cảm, chú lắp đặt dụng cụ phòng cháy, nên phải tăng giá’, ông chủ trọ nói với tôi về việc tăng giá phòng thuê trọ thêm 300 nghìn đồng.
Những dụng cụ đó là: thiết bị báo khói ngoài hành lang, một chậu cát mỗi tầng, bình CO2, và cái thang thoát hiểm do chính ông tự làm. Cái thang này, thanh niên trai trái còn không dám leo, nói chi đến các chị em phụ nữ.
Việc tăng giá phòng trọ “vì phải sắm thêm các thiết bị chống cháy”, xem như là cách chủ trọ gỡ vốn. Nhưng đây cũng là cái cớ hợp lý để tăng giá tiền trọ. Bởi một khi giá tăng lên, sẽ không bao giờ xuống nữa.
Một số bạn bè của tôi cũng lo lắng về việc chủ nhà trọ sắp tăng giá và đang có kế hoạch ở ghép 3-4 người để đỡ chi phí.
Khi tìm phòng, chúng tôi lại mắc “kiếp nạn” với những người kinh doanh phòng trọ chuyên nghiệp. Họ thuê lại từng phòng trọ, hoặc nhà nguyên căn, decor đơn giản, thêm cái bàn, gỗ pallet, lọ hoa… rồi đẩy giá chênh lệch lên từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Chưa kể, còn thu thêm tiền giữ xe 100-150 nghìn một chiếc mỗi tháng, tiền dịch vụ…
Khi quay sang tìm phòng ở ghép chung cư, tiền thuê vốn đã cao, nay có lẽ sắp tăng vì với chi phí phòng trọ tăng, nhiều người suy nghĩ “thà ở chung cư cho sướng”, lượng khách tìm đông.
Kết quả khảo sát mức sống dân cư 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị chỉ tăng 5,3% so với 2022, đạt gần 6,3 triệu đồng một người. Trong khi đó, theo một khảo sát khác, đà tăng giá thuê phòng trọ, chung cư mini gần gấp đôi tăng trưởng thu nhập của người dân thành thị theo năm.
Với người đi làm, tiền thuê trọ càng ngày là một gánh nặng, thì với những sinh viên, nhất là tân sinh viên sắp nhập học vào tháng 9 tới, tiền thuê trọ sẽ là một gánh nặng không nhỏ hàng tháng, bên cạnh học phí đại học.