Khi sở hữu giấy phép lái xe hạng C, tài xế vừa có thể điều khiển xe có trọng tải lớn, vừa có thể điều khiển các phương tiện chở người thông thường.
Điểm ưu việt của giấy phép lái xe hạng C so với hạng B1 và B2 chính là trọng tải được phép điều khiển phương tiện. Ảnh: Phan Anh
Những loại xe được lái
Khoản 8 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT đã liệt kê cụ thể các loại phương tiện mà người có giấy phép lái xe hạng C được phép điều khiển, cụ thể là:
Hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
– Ôtô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng, ôtô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
– Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
Theo đó, với giấy phép lái xe hạng C, tài xế có thể lái những loại xe sau đây:
– Ôtô tải (tính cả ôtô tải chuyên dùng), ôtô chuyên dùng có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên;
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải từ 3,5 tấn lên;
– Ôtô chở người đến 09 chỗ ngồi (tính cả chỗ ngồi cho người lái xe);
– Ôtô chuyên dùng có trọng tải dưới 3,5 tấn;
– Ôtô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng có trọng tải dưới 3,5 tấn;
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải dưới 3,5 tấn.
Như vậy, khi sở hữu giấy phép lái xe hạng C, tài xế vừa có thể điều khiển xe có trọng tải lớn, vừa có thể điều khiển các phương tiện chở người thông thường.
Giấy phép lái xe hạng C có thể nâng lên hạng nào?
Theo Khoản 3 Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, giấy phép lái xe hạng C có thể nâng lên các hạng sau:
– Hạng C lên D, C lên FC: Nếu có thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;
– Hạng C lên E: Nếu có thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.
Khi nâng từ hạng C lên các hạng khác, người tài xế sẽ phải tham gia học nâng hạng trong thời gian như sau:
– Hạng C lên D: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành: 144);
– Hạng C lên E: 336 giờ (lý thuyết: 56, thực hành: 280);
– Hạng C lên FC: 272 giờ (lý thuyết: 48, thực hành: 224).