Thị trường ô tô cuối năm sẽ trở nên sôi động hơn nhờ ưu đãi, giảm phí trước bạ?

Sau gần 3 Quý đầu năm trầm lắng, các tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong 4 tháng cuối năm 2024 (giảm phí trước bạ, ưu đãi, giảm giá…), mang lại hy vọng cho ngành ôtô nội địa. Dù vậy, các chuyên gia vẫn giữ cái nhìn thận trọng, cho rằng sự tăng trưởng sẽ có nhưng không kỳ vọng vào một đợt bùng nổ lớn.

Một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường là Nghị định 109 của Chính phủ, ban hành vào cuối tháng 8, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước từ 1/9 đến 30/11. Nếu như trước đây từ năm 2020 tới năm 2023, chính sách giảm lệ phí trước bạ được thông qua vào khoảng giữa tháng 6, kết thúc năm người tiêu dùng có khoảng 6 tháng được hưởng giảm thuế. Đây là lần thứ tư chính sách này được thực hiện, nhưng thời gian áp dụng ngắn hơn so với trước.


Như thường lệ, ưu đãi lệ phí trước bạ chỉ được áp dụng cho các xe lắp ráp trong nước, nhưng cũng gây áp lực khiến các dòng xe nhập khẩu phải duy trì hoặc tăng cường khuyến mại nhằm cạnh tranh. Trước khi chính sách được thực hiện, nhiều khách hàng đã chờ đợi những thông tin về chính sách được công khai rõ ràng trước khi quyết định mua xe hoặc đã đặt cọc xe ở các showroom nhưng chưa vội đăng ký ra biển số.


Một số đại lý của Ford và Toyota không chỉ nằm ở các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội, số lượng khách hàng chiếm khoảng từ 45-50% đã ký hợp đồng nhưng chưa nhận xe, vì chờ thuế trước bạ giảm. Khi Nghị định 109 có hiệu lực, lượng xe ký hợp đồng chờ này chắc chắn sẽ giúp doanh số của các hãng tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11/2024.


Theo chia sẻ của anh Tuấn Anh, tư vấn bán hàng của một đại lý Toyota nằm tại khu vực Mỹ Đình: “Sau khi có thông tin đề xuất giảm lệ phí trước bạ, khách hàng của chúng tôi có nhiều người đã quyết định xuống tiền đặt cọc xe chờ ngày được Chính phủ phê duyệt chính sách thuế. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, tháng 7, nhiều khách hàng có tâm lý sốt ruột sợ chính sách không được thông qua nên đã đăng ký trước thời điểm giảm thuế.

Sau khi Nghị định 109 được Chính phủ thông qua, có rất nhiều khách hàng chờ đợi từ trước đó đã hoàn tất thủ tục với đại lý và lấy xe đi đăng ký. Lượng khách hàng ký hợp đồng mới cũng tăng cao, trung bình mỗi ngày tôi ký được từ 1-2 chiếc”.


Các số liệu đến từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số thị trường ô tô đang dần thoát khỏi tình trạng suy giảm với lượng xe bán ra đến hết tháng 7/2024 đạt 193.514 chiếc, gần bằng cùng kỳ năm 2023 là 194.058 xe. Riêng các dòng xe du lịch, trong tháng 7/2024 đạt doanh số là 28.724 xe, con số này đã có những sự cải thiện lớn so với cùng kỳ năm 2023 là 24.687 xe.


Bên cạnh đó, việc các hãng xe cũng đã lên kế hoạch ra mắt nhiều mẫu mới vào cuối năm 2024, hứa hẹn làm tăng thêm sức hấp dẫn cho thị trường. Các thương hiệu Trung Quốc như Aion, Omoda & Jaecoo sẽ bắt đầu bán sản phẩm tại Việt Nam, trong khi các hãng khác như Hyundai, Toyota, và Mitsubishi cũng sẽ giới thiệu các mẫu mới hoặc bản nâng cấp.


Triển lãm ôtô Việt Nam sắp diễn ra vào tháng 10/2024 tại TP.HCM cũng là cơ hội để các hãng xe trình làng sản phẩm mới và đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng, góp phần đẩy mạnh doanh số trong giai đoạn cuối năm.

Dù có nhiều yếu tố tích cực, nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng thị trường khó có thể đạt mức tăng trưởng đột phá như những năm trước, bởi tình hình kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn sau khi phải chịu các cú sốc đến từ đại dịch Covid-19 hay khủng hoảng địa chính trị trong khu vực. Mục tiêu thực tế của các đại lý là duy trì doanh số ổn định so với năm ngoái, thay vì kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ.