Lũ ào ạt tràn về sau bão Yagi, hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái) chứa hơn 3 tỷ m3 nước nguy cơ vỡ khiến những người có trách nhiệm phải đứng trước quyết định sinh tử.
Ngày 9/9, sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, các tỉnh miền núi phía Bắc phải đối mặt những trận mưa lớn, kéo dài kỷ lục khiến nước đổ về hồ Thác Bà liên tục tăng.
Ngày 10/9, lũ lên đến 5.600m3/giây, trong khi thiết kế lưu lượng lũ về tối đa của hồ Thác Bà chỉ 3.000m3/giây và lưu lượng xả là 3.200m3/giây. Hồ thủy điện Thác Bà đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trước tình hình đó, đoàn công tác của các bộ ngành, lãnh đạo tỉnh Yên Bái và Công ty CP Thủy điện Thác Bà cùng họp bàn đánh giá tình hình và bàn biện pháp xử lý.
Nhớ lại thời khắc khó quên sáng 10/9, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kể rằng khi đó lượng nước từ thượng nguồn đổ về đã quá lớn, vượt qua mọi quy chuẩn trong thiết kế.
Các cửa xả được thiết kế chỉ 3.200m3/s, nhưng lượng nước đổ về hồ đạt mức cực đại hơn 5.600m3/s, gần gấp đôi so với công suất tối đa của 3 cửa xả đáy. Lúc này mực nước trong hồ đạt 59,28m, chính thức báo động nguy cơ ở đập thủy điện.
“Đây đúng là thời điểm đấu trí căng thẳng vì chúng tôi cần phải có một phương án cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra với thủy điện Thác Bà. Đó là phải chủ động cắt lũ để đảm bảo an toàn cho hồ đập.
Và trước nguy cơ hồ Thác Bà “vỡ trận”, toàn bộ miền Bắc có thể chìm trong biển nước, một quyết định quan trọng đã được Thủ tướng đưa ra đó là phá đập số 4 khi nước vượt mức an toàn”, vị Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhớ lại.
Và để chuẩn bị “dự lệnh” cho việc phá đập số 4, tổng số 3.186 hộ dân với hơn 11 nghìn người trong khu vực dòng chảy được di dời đến nơi an toàn chỉ trong 4 giờ đồng hồ.
Đây có thể nói là cuộc di tản chạy lũ thần tốc nhất trong lịch sử, do tính gấp rút cần phải thực hiện ngay lập tức, sẵn sàng cho “dự lệnh” của Thủ tướng trở thành “động lệnh”.
Trong câu chuyện kể với PV Báo điện tử VTC News, ông Hoàng Hữu Độ, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái vẫn nhớ như in những thời khắc căng thẳng nhất trong vài chục năm công tác.
Thời điểm đó, ông Độ cùng một Phó Chủ tịch tỉnh và một Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phụ trách thủy lợi thường xuyên phải túc trực để kiểm tra, đánh giá sự an nguy của hồ thuỷ điện Thác Bà.
Giữa lúc nguy khó, khi mà nước trong lòng hồ dâng lên từng phút, dù lo sợ nhưng ai cũng phải tính đến phương án xấu nhất là phá đập phụ để cứu đập chính.
Nếu vỡ đập chính, lượng nước 3 tỷ m3 sẽ tràn xuống sông Chảy, rồi đổ ra sông Lô ở Yên Bái. Khi ấy, mức độ tàn phá sẽ rất khủng khiếp. Hàng chục nghìn người dân ở vùng hạ du từ Yên Bái đến Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và cả Hà Nội đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể bị nhấn chìm trong nước lũ.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng không nên xả lũ. Nhưng nếu không xả, lượng nước đổ về nhiều gây vỡ đập thì nguy hiểm còn tăng lên gấp nhiều lần. Hồ thủy điện Thác Bà với sức chứa thời điểm đó hơn 3 tỷ m3 nước nếu đổ ập xuống sẽ như một quả bom nguyên tử có sức công phá khủng khiếp.
“Những cuộc họp bàn diễn ra hết sức căng thẳng, bởi nếu tính toán không tốt, không tìm được phương án đúng đắn thì sẽ dẫn đến những thiệt hại kép, không chỉ ảnh hưởng đến nhà máy thủy điện mà quan trọng hơn là đe dọa tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ lưu.
Chúng tôi vừa họp vừa phải nín thở theo dõi thực tế để dự báo, nắm tình hình từ thượng nguồn rồi mới dám đưa ra các quyết định chính thức”, ông Độ kể lại thời khắc nghẹt thở.
Theo vị Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái, phương án phá đập phụ số 4 đã được nhắc đến và chuẩn bị kỹ lưỡng. Mọi người cùng nín thở, theo dõi từng giây, từng phút mực nước trên thượng nguồn đổ về.
“Mực nước lên đến 61m tại thời điểm lũ xảy ra thì buộc phải phá đập phụ số 4 để tránh hậu quả khôn lường. Khi nước dâng lên hơn 59m, rồi xấp xỉ 60m, mọi người trong đoàn công tác và lãnh đạo nhà máy thủy điện Thác Bà đều nhìn nhau căng thẳng, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất”, ông Độ kể lại.
Nếu tình hình mưa lũ thượng nguồn không cải thiện, nước trong hồ lên mức 61m, thì quyết định phá đập phụ số 4 cũng sẽ phải đưa ra vào sáng 11/9.
Nhớ về cuộc chống chọi với lượng nước đổ về ngày càng tăng sau khi cơn lũ lịch sử Yagi đi qua, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Nhà máy thủy điện Thác Bà, tâm sự rằng đó là những thời khắc căng thẳng nhất.
Mỗi một quyết định đưa ra đều có thể ảnh hưởng đến sự sinh tồn của người dân hạ du. Vì vậy, tất cả những người có trách nhiệm đều tâm niệm phải tính toán thật kỹ để không mắc một sai lầm nào.
“Chúng tôi phải trực chiến 24/24 để cập nhật liên tục tình hình bão lũ, lượng nước về hồ để báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kịp thời ứng phó với mọi tình huồng. Phải làm sao để vừa đảm bảo an toàn nhất cho người dân vùng hạ du vừa bảo vệ được sự an toàn hồ đập. Đó là bài toán vô cùng khó, cần sự tính toán chính xác tối đa”, ông Nguyễn Mạnh Cường nói.
Ngay trong trưa 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát tình hình lũ lụt và công tác ứng phó tại tỉnh Bắc Giang, đã dừng lại để họp trực tuyến với điểm cầu Trụ sở Chính phủ và các điểm cầu Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình nghiêm trọng của thủy điện Thác Bà, những quyết định quan trọng đã được đưa ra.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký công điện triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà. Đập phụ số 4 (dài khoảng 50m ở khu vực xã Hán Đà) được lên phương án phá, chủ động giảm mực nước trong hồ khi có lệnh.
Đáng chú ý, Thủ tướng đã có lệnh di dời khẩn cấp người và tài sản vùng có khả năng ngập do chủ động phá đập. Hệ thống chính trị cơ sở các huyện, thôn, xã liên quan của Yên Bái, thậm chí cả vùng Phú Thọ lân cận ngay lập tức vào cuộc thông báo cho người dân chuẩn bị.
Sau kết luận phiên họp buổi trưa của Thủ tướng, từ 13h ngày 10/9, hơn 3.186 hộ dân với 11.279 nhân khẩu của 24 thôn, tổ ở các xã Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh, thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã được di dời.
Đến 17h, mọi việc hoàn tất. Yên Bái đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất…
Cùng lúc, những chỉ đạo khác liên tiếp được đưa ra. Thủ tướng yêu cầu các địa phương liên quan bằng mọi cách giảm xả tại các hồ khác về thủy điện.
Ngay sau thời điểm đó, nước lũ ở sông Hoàng Long lên cao, có thể phải đưa ra giải pháp phá đê sông Hoàng Long. Khi được báo cáo về vấn đề trên, Thủ tướng đã chỉ đạo nhà máy thủy điện Hòa Bình ngừng phát điện, giải pháp này đã giúp giảm lũ trên sông Đáy, sông Hồng và đê đã không phải phá.
Nhớ lại về thời gian lịch sử đó, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình đánh giá chỉ đạo của Thủ tướng là sáng suốt, chính xác, hiệu quả và thể hiện cân não rất lớn.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là phá đập, dù vậy, ai nấy đều thấp thỏm, mong điều này không xảy ra.
Lúc 17h ngày 10/9, thời điểm người dân đã được di chuyển an toàn, mực nước thượng lưu lên tới 59,62m, lưu lượng nước đổ về dù có giảm nhưng vẫn là tới 4.450m3/s.
Đến 23h ngày 10/9, nước về có giảm, còn 4.115m3/s, song năng lực xả không tối đa nên mực nước hồ tăng lên 59,78m.
Đến khoảng 11h ngày 11/9, lưu lượng nước đổ về hồ Thác Bà giảm còn 3.180 m3/s, tương đương với khả năng xả của đập chính. Trong cả đêm 10/9 cho đến trưa 11/9, nước hồ vẫn tăng nhưng chậm hơn, rồi dừng lại.
Đến 13h ngày 11/9, lưu lượng nước về hồ còn 2.992m3/s đã thấp hơn lưu lượng xả cùng thời điểm là 3.005 m3/s. Vậy là mốc quan trọng 61m có thể bảo vệ được, hồ thủy điện Thác Bà đã chống trụ được với lũ dữ.
Đến bây giờ, khi lũ lụt đã tạm ngưng, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn vẫn gọi những giờ phút kịch tính để bảo vệ sự tồn tại của hồ thủy điện Thác Bà và sự an nguy của hàng chục nghìn người là thời khắc “sinh tử”, đòi hỏi sự sáng suốt, kiên định của người lãnh đạo.
Rất may, hồ Thác Bà đã đứng vững giữa bão dữ và người dân may mắn không phải hứng chịu những thảm họa kinh hoàng do việc phá đập gây nên.
Ông Tuấn cũng kể về một người đã sát cánh, đồng hành cùng ông trong những giây phút quan trọng. Đó là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Ông Đỗ Đức Duy đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ trở lại tỉnh này để trực tiếp chỉ đạo phòng, chống lũ lụt, sạt lở đất hậu bão số 3. Trở về địa phương nơi ông đã từng dốc sức dựng xây đúng thời điểm nguy cấp, tân Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường lại tiếp tục dốc tâm, dốc sức lao vào tâm lũ, quyết liệt kiểm tra, giám sát và chỉ đạo.
“Anh Duy là người có tinh thần trách nhiệm rất cao, lăn xả trong mọi việc giữa tâm bão dữ dội. Điểm mạnh nhất của anh Duy là kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão lũ.
Ngoài ra, anh còn am hiểu địa hình, am hiểu điều kiện thực tiễn trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đó là lý do anh đã chọn những địa điểm khốc liệt nhất trong trận lũ lụt lịch sử để trực tiếp kiểm tra, giám sát là TP Yên Bái và huyện Trấn Yên”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn nói.
Đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái đã bình an, nhịp sống đời thường trở lại với người dân nơi đây. Giao thông trên toàn tỉnh cơ bản thông suốt. 56/65 trường học đã được khắc phục và đến ngày 18/9 toàn bộ học sinh sẽ trở lại lớp học. Dự kiến đến hết ngày 23/9 sẽ hệ thống y tế sẽ hồi phục hoàn toàn.
Tuy dấu ấn của cơn lũ lịch sử vẫn hằn nét nhưng đã không còn những mối lo nguy cấp như vừa trải qua. Mặc dù vậy, người dân nơi đây vẫn nhớ về những dự tính, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo địa phương đã giúp tỉnh Yên Bái và người dân vượt lũ dữ thành công.
Đây có thể coi là trận chống lũ hiếm có trong lịch sử và để lại những ký ức khó quên, là bài học kinh nghiệm cho công cuộc gìn giữ đê điều để bảo vệ Nhân dân và tài sản đất nước.