” Từ ‘chê’ xe điện đến ký hợp đồng 4.000 xe VinFast: Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã làm gì để thuyết phục Taxi Mai Linh?”

Taxi Mai Linh đặt bút ký vào bản hợp đồng thuê và mua gần 4.000 xe VinFast để chạy dịch vụ không lâu sau chiến lược chưa đầu tư xe điện. Tuy nhiên, vấn đề tài chính đang là bài toán cần giải đối với doanh nghiệp khi tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã lên đến 21 lần.

Còn nhớ, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, khi trả lời về định hướng kinh doanh trong thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh đã thể hiện rõ quan điểm chưa đầu tư vào xe điện.

Nói về lý do, đại diện doanh nghiệp cho biết Mai Linh nhận thấy xu hướng xe điện đang dần trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang chuyển dịch và được ưu ái nhờ những đổi mới và lợi ích mà xe điện mang lại. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và phân tích chuyên sâu, doanh nghiệp nhận định xe điện chưa thật sự phù hợp và tối ưu tại thị trường Việt Nam, do những bất cập về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu vận hành thuận tiện của xe điện, cũng như lo ngại về lượng rác thải pin gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Thay vào đó, Mai Linh đã chuyển hướng từ các dòng xe sử dụng nhiên liệu xăng thuần túy sang dòng xe hybrid (xăng – điện). Để thực hiện kế hoạch này, công ty đã hợp tác với Toyota Việt Nam và Công ty Tài chính Toyota trong dự án đầu tư 9.999 xe. Chỉ trong quý IV/2023, Mai Linh đã đầu tư gần 1.000 phương tiện mới thuộc các dòng Avanza và Vios. Năm 2024, Mai Linh đặt mục tiêu đầu tư thêm 2.224 xe hybrid, với kỳ vọng hoàn tất dự án trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, chỉ gần 8 tháng sau, Mai Linh đã gây bất ngờ khi ký kết thương vụ mua và thuê 3.999 xe VinFast từ Xanh SM (công ty do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập) vào ngày 6/12. Động thái này dường như đang đi ngược lại với chiến lược kinh doanh đã đề ra trước đó.


Mai Linh sở hữu 11.602 xe taxi vào cuối năm 2023, chủ yếu là xe Toyota và Hyundai

Mai Linh đã bị thuyết phục như thế nào?

Theo lý do được đề cập tại ĐHĐCĐ, mối e ngại về cơ sở hạ tầng chưa phù hợp và tối ưu cho xe điện tại Việt Nam là nguyên nhân chính khiến Mai Linh ngần ngại trong việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

Vướng mắc này đã được tháo gỡ khi, vào ngày 4/9, Công ty V-Green do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập đã đưa ra lời giải với mô hình “Trạm sạc nhượng quyền”. Cùng với đó là cam kết mạnh mẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng để quy hoạch 150.000 cổng sạc tại tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước trong vòng 2 năm. Được biết, chỉ sau hơn 1 tháng công bố triển khai, V-Green đã nhận được gần 1.000 đơn đăng ký mở trạm sạc nhượng quyền từ các đối tác trên toàn quốc.

Trong bản hợp đồng thuê và mua gần 4.000 xe VinFast mới ký, Mai Linh sẽ nhận được nhiều ưu đãi tài chính trong quá trình đầu tư xe điện, đồng thời được hỗ trợ lắp đặt trạm sạc thông qua Công ty V-Green. Ngoài ra, các chi nhánh của Mai Linh sử dụng xe điện sẽ được tích hợp trên ứng dụng Xanh SM, giúp gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Không chỉ vậy, việc Mai Linh lựa chọn xe điện do Việt Nam sản xuất còn thể hiện tinh thần hợp tác và cùng phát triển của các doanh nghiệp trong nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero quốc gia.


Đại diện Taxi Mai Linh thăm nhà máy VinFast Hải Phòng
Trước đó, Xanh SM và Mai Linh từng hợp tác thành lập liên doanh Mekong Xanh SM, vận hành chuỗi xưởng dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng xe trên toàn quốc. Đây là bước đệm quan trọng giúp cả hai mở rộng hệ sinh thái giao thông xanh, phục vụ cả xe xăng, xe điện và các đối tác trong ngành vận tải.

Sức khỏe tài chính của Taxi Mai Linh

Được thành lập vào năm 1993, Mai Linh là hãng taxi lâu đời nhất tại Việt Nam, hiện sở hữu mạng lưới hoạt động rộng khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm cả 4 huyện đảo: Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn và Cát Bà. Tính đến cuối năm 2023, tổng số phương tiện taxi của công ty đạt 11.602 xe, chủ yếu là các dòng xe của Toyota và Hyundai. Về nhân sự, công ty có 14.804 người, trong đó tài xế taxi chiếm 12.791 người (tương đương 86%).

Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Mai Linh ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 1.586 tỷ đồng, trong khi lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ các khoản thu nhập khác (bao gồm thanh lý xe), công ty đã đạt được khoản lãi sau thuế 4 tỷ đồng.

Thực tế, kết quả kinh doanh của Mai Linh không mấy khả quan trong vài năm gần đây. Năm 2020, công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 185 tỷ đồng, và con số này tăng lên 272 tỷ đồng vào năm 2021. Bước sang năm 2024, Mai Linh đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 1.650 tỷ đồng và kỳ vọng đạt lãi sau thuế 60 tỷ đồng.


Nguồn: Tổng hợp
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Mai Linh đạt 4.271 tỷ đồng, nhưng công ty chỉ còn 26 tỷ đồng tiền mặt. Phần lớn tài sản nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm 1.942 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng nợ khó đòi 158 tỷ đồng. Ngoài ra, tài sản cố định của công ty ghi nhận 1.106 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Mai Linh là 4.077 tỷ đồng, trong đó bao gồm nợ vay 1.401 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế 1.306 tỷ đồng đã khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn lại 194 tỷ đồng. Điều này đẩy hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lên mức 21 lần, cho thấy gánh nặng tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp.