(ĐTCK) Đối với tổn thất bảo hiểm xe cơ giới sau bão lũ, theo một số doanh nghiệp bảo hiểm, sau khi thống kê thiệt hại đầy đủ, số tiền bồi thường cho tổn thất xe cơ giới của các khách hàng dự kiến có thể lên đến cả trăm tỷ đồng.
Bảo hiểm PTI ước tính đến 12/9 có khoảng 500 vụ tổn thất về xe cơ giới tương ứng số tiền khoảng 18 tỷ đồng. Bảo hiểm PTI cũng đã giám định xong 85% thiệt hại của khách hàng ở nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Bảo hiểm BSH thống kê sơ bộ khoảng 560 vụ tổn thất xe cơ giới, còn Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay mới ghi nhận 4 vụ về bảo hiểm xe cơ giới với số tiền bảo hiểm 2,1 tỷ đồng.
Theo thống kê thiệt hại của khách hàng Bảo hiểm BIC sau cơn bão số 3 (tính đến trưa 11/9), mảng xe cơ giới ghi nhận gần 300 vụ, ước tính thiệt hại 7 tỷ đồng. Hãng bảo hiểm này cũng vừa thực hiện tạm ứng 945 triệu đồng bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe ô tô đối với hành khách trên xe trong vụ sạt lở tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Theo Cục Cảnh sát Giao thông, vào lúc 5h45 ngày 09/09/2024, tại km180+680 Quốc lộ 34 thuộc địa phận xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã xảy ra vụ sạt lở ta luy dương làm 1 ô tô khách và 2 ô tô con và một số xe máy bị vùi lấp và cuốn trôi. Đến trưa ngày 12/09/2024, cơ quan chức năng đã tìm được 21 thi thể xung quanh khu vực xe khách bị lũ cuốn. Ngay khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, xác định chủ xe khách là khách hàng tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới tại BIC, cán bộ BIC đã nhanh chóng phối hợp với khách hàng và các bên liên quan để thu thập thông tin, hồ sơ liên quan đến vụ tai nạn.
BIC đã thực hiện tạm ứng bồi thường về trách nhiệm dân sự đối với hành khách trên xe trong vụ tai nạn trên với mức tạm ứng cao nhất bằng 30% mức bồi thường bảo hiểm quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP ngày 06/09/2023 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại. BIC cũng phối hợp chặt chẽ với chủ xe để nhanh chóng trao số tiền tạm ứng cho gia đình các nạn nhân của vụ sạt lở.
Hiện tại, BIC đang tiếp tục làm việc với chủ xe và cơ quan chức năng, xác định chính xác số lượng nạn nhân để chi trả tạm ứng cũng như bồi thường kịp thời. Trường hợp nạn nhân không phải là hành khách trên chuyến xe khách, BIC sẽ phối hợp với chủ xe và gia đình nạn nhân làm việc với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam để được hỗ trợ kịp thời từ Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê ban đầu, tính đến 12h ngày 13/9, Bảo hiểm VNI tiếp nhận 594 vụ tổn thất do bão Yagi gây ra. Trong đó, có 288 vụ ước tổn thất với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng. Các vụ còn lại VNI vẫn đang nhanh chóng phối hợp với khách hàng để xác minh thiệt hại. Trong 594 vụ, có 4 vụ tổn thất lớn với tổng số tiền ước thiệt hại khoảng hơn 1,1 tỷ đồng. Số vụ đã bồi thường/bảo lãnh/tạm ứng là 40 vụ.
Theo đánh giá của các chuyên gia bảo hiểm, số lượng vụ tổn thất nhiều, tuy nhiên thường không quá nghiêm trọng, chủ yếu do bị ngập nước nên sẽ chỉ ảnh hưởng đến hệ thống điện và vệ sinh nội thất xe.
Hãng bảo hiểm VNI dự kiến sẽ tạm ứng lần 1 cho các Gara sửa chữa tại Hà Nội vào ngày 16/9, chiếm khoảng 50% số vụ xảy ra tại địa bàn Hà Nội (áp dụng cho tổn thất do bão, VNI đã xác định phạm vi bảo hiểm).
Giám định viên của VNI thực hiện công tác giám định xe cho khách hàng sau cơn bão
Ban Giám định Bồi thường của hãng bảo hiểm này cho biết, việc linh hoạt triển khai tạm ứng cho Gara sửa chữa để ưu tiên sửa xe nhanh chóng cho khách hàng của VNI, giúp khách hàng sớm có xe đưa vào sử dụng. Được biết bảo hiểm VNI hiện đang là hãng bảo hiểm có thị phần dẫn đầu trong mảng bảo hiểm xe cơ giới trên thị trường trong 6 tháng năm 2024.
Một số hãng bảo hiểm có thị phần bảo hiểm xe cơ giới cao trên thị trường như bảo hiểm PVI, bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PJICO, Liberty hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về số vụ cũng như ước tổn thất phải bồi thường của bảo hiểm cơ giới. Số liệu này sẽ sớm được cập nhật.