Cửa nghịch có thiết kế gây chú ý và độ tiện lợi cao nhưng lại sở hữu nhược điểm lớn về khả năng an toàn và nhiều người gọi nó là kiểu “cửa tự sát” xuất hiện trên cả những chiếc xe sang Rolls-Royce.
Cửa nghịch trên ô tô là cửa sau có bản lề phía sau với mục đích giúp ra vào xe dễ dàng hơn. Đổi lại, khả năng an toàn của loại cửa này thua kém đáng kể cửa sử dụng bản lề trước thông thường, ít nhất là trong quá khứ.
Trên thực tế, cửa nghịch đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên ô tô xuất hiện. Giao diện cửa này trên ô tô được lấy từ cửa đặc trưng trên xe ngựa kéo trong lịch sử.
Việc cửa sau mở ngược hướng cửa trước giúp không gian ra/vào xe rộng hơn thường thấy đáng kể và do đó tạo cảm giác sang trọng, tiện nghi.
Trong quá khứ, có không ít giao diện cửa nghịch từng xuất hiện trên thị trường. Cửa dạng vỏ sò hay cửa không có cột bên (chính xác là cột B giữa 2 cửa) là 2 định dạng phổ biến nhất.
Với cửa không có cột B, 2 cửa trước và sau sẽ đóng gập vào nhau thay vì cố định vào cột. Đây là cấu trúc sử dụng trên Mazda RX-8 hay Honda Element.
Ưu điểm của cửa nghịch, như đã nói, là khả năng ra vào tiện lợi. Người ngồi sau chỉ cần ngồi dậy và bước thẳng ra ngoài thay vì ngồi dậy, quay người và bước lùi về phía sau như cửa thường. Thiết kế cửa nghịch cũng thường bắt mắt hơn, một phần vì độ hiếm của chúng.
Nhược điểm của loại cửa này trong quá khứ là độ an toàn. Việc không có dây an toàn và bản lề đặt phía sau khiến hành khách trong xe rất dễ rơi ra ngoài và bị xe kéo lê đi.
Việc mở cửa nghịch khi xe đang di chuyển cũng rất nguy hiểm với xe cửa nghịch vì người dùng không có gì che chắn phía trước họ chứ không như cửa thuận bản lề trước.
Với xe hiện đại, những nhược điểm trên không còn nhưng việc thiết kế cấu trúc sao cho đủ vững chãi mà không có cột B là một thách thức an toàn rất lớn.
Cũng vì lý do thiếu an toàn, cửa nghịch trong tiếng Anh còn có tên “Suicide Doors”, tạm dịch là cửa “tự sát”. Dù cửa nghịch đã trở nên an toàn hơn rất nhiều trong những thập kỷ gần đây, tên gọi này vẫn được giữ lại.