Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở lại vị trí giàu thứ 28 trên thế giới và có 41,1 tỷ USD do cổ phiếu VinFast tiếp tục gây bất ngờ, lên đỉnh lịch sử trong phiên giao dịch 24/8 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ.
VinFast vốn hóa vượt 110 tỷ USD
Trong phiên giao dịch ngày 24/8 (giờ Mỹ), cổ phiếu VinFast (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục gây bất ngờ, đóng cửa ở mức giá cao kỷ lục mới 49 USD/cp, với hơn 8 triệu cổ phiếu được giao dịch. Trong phiên, có lúc VFS đã lên 58 USD/cp, tương ứng giá trị công ty hơn 130 tỷ USD.
Trước đó phiên chào sàn Nasdaq đầu tiên hôm 15/8, cổ phiếu VFS đóng cửa ở mức hơn 37 USD/cp.
Như vậy, hãng xe ô tô điện VinFast đã lập kỷ lục vốn hóa mới hơn 110 tỷ USD. Ở mức giá này, vốn hoá của VinFast đã vượt qua ông lớn xe điện BYD. Hãng xe điện Trung Quốc này đang nổi đình đám, làm mưa gió ở nhiều nước với lượng bán xe rất lớn, thậm chí còn vượt cả Tesla của tỷ phú Elon Musk.
VinFast đứng vững ở vị trí thứ 2 trong làng xe điện toàn cầu và trở thành hãng sản xuất xe lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Tesla (vốn hóa đạt 730 tỷ USD tính tới 24/8) và Toyota (220 tỷ USD). Thậm chí, vốn hóa của VinFast vượt hãng siêu xe Porsche (99 tỷ USD).
Như vậy, vốn hóa của VinFast đã lên một tầm cao mới và không có doanh nghiệp nào tại Việt Nam so sánh được bởi tổng vốn hóa của 10 công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán chỉ đạt 84 tỷ USD.
Vietcombank hiện có vốn hóa lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính tới hết ngày 24/8 VCB đạt 418.000 tỷ đồng (tương đương gần 17 tỷ USD), tương đương khoảng 15% VinFast.
Cổ phiếu VinFast quay đầu tăng mạnh (từ mức đáy khoảng 13 USD giữa phiên 17/8) sau khi CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy hôm 22/8 có cuộc trả lời trực tiếp trên sóng truyền hình CNN trong chương trình “First Move with Julia Chatterley” với khá nhiều thông tin tích cực cung cấp cho các nhà đầu tư.
CEO Lê Thị Thu Thủy đã truyền đi tham vọng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tới giới đầu tư trên thế giới trong cuộc trò chuyện với hàng loạt kế hoạch của VinFast sau niêm yết, trong đó có việc đẩy mạnh xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina và dự định mở rộng bán hàng trên khắp thế giới.
Bà Thủy cũng không quên khoe lợi thế của xe điện Việt Nam trên đất Mỹ, với việc tiếp cận 73.000 cổng sạc trên đất nước này.
Vốn hóa VinFast cao: Bài toán huy động vốn của tỷ phú Vượng?
Với việc giá cổ phiếu tăng cao và vốn hóa VinFast tăng vọt lên trên 110 tỷ USD, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 8,9 tỷ USD lên 41,1 tỷ USD và từ mức 45 lên vị trí giàu thứ 28 trên thế giới. Với vị trí này, ông Vượng tiếp tục là người giàu nhất Đông Nam Á.
Mặc dù giá cổ phiếu bứt phá và vốn hóa tăng mạnh lên Top đầu thế giới nhưng nhiều người vẫn nghi ngại về khả năng cổ phiếu VinFast có thể tụt giảm nhanh giống như 3 phiên sau khi lên sàn và giống như cổ phiếu nhiều hãng xe điện khác trên thế giới.
Thực tế, giao dịch của cổ phiếu VFS vẫn khá thấp, đạt khoảng 13 triệu đơn vị trong phiên giao dịch 24/8, cao hơn so với mức 4,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành tự do (free float), trong tổng số hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS niêm yết.
Trong phiên 23/8, VinFast ghi nhận 8,26 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Trong phiên liền trước (22/8), Nasdaq ghi nhận 19,41 triệu cổ phiếu VFS được giao dịch.
Theo Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy, số lượng cổ phiếu lớn hơn dự kiến sẽ được đưa ra thị trường trong khoảng 6 tháng đến một năm tới.
Dù vậy, số lượng cổ phiếu được đưa ra lưu hành tự do không lớn, khoảng 3 triệu trong lần đầu và khoảng 30 triệu trong thời gian sau đó.
Điều này cũng đồng nghĩa với lượng tiếp tục ở mức rất thấp, trong khi đó lượng cầu được đánh giá là khá cao theo những diễn biến giao dịch và những lần làm truyền thông và cung cấp thông tin tích cực cũng như tham vọng rất lớn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Một điều cũng được nhiều người nhìn thấy là các tỷ phú Việt Nam nói chung và ông Phạm Nhật Vượng nói riêng hiểu và luôn tìm cách phát huy đặc tính của thị trường chứng khoán, vốn là nơi huy động vốn để doanh nghiệp phát triển.
Với vị thế một doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup có thể hỗ trợ cho VinFast trong vòng 1-2 năm nữa, với nguồn tiền bơm theo cam kết từ tổ chức này và ông Phạm Nhật Vượng là 2,5 tỷ USD.
Như vậy, VinFast cần nhanh chóng huy động được nguồn vốn khổng lồ từ các tập đoàn, nhà đầu tư trên thế giới để có thể bứt phá đi lên.
Cú đưa VinFast lên sàn của tỷ phú giàu nhất Việt Nam đang gây ra tiếng vang lớn trên thế giới. Việc giá trị thị trường của VinFast vượt Mercedes – Benz và giờ đây vượt cả Porsche khiến cả thế giới chú ý, trong đó có Trung Quốc.
Hiện, giới đầu tư chờ đợi những bước đi tiếp theo của “Tesla Việt Nam”. Cùng với những ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam và vị thế thuận lợi của đất nước ở khu phát triển năng động nhất của thế giới trong thế kỷ mới.
Tất cả còn ở phía trước và thách thức còn rất nhiều như CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy thừa nhận. Việc “làm được” hay không phụ thuộc vào VinFast.
Tiềm năng và thị trường xe điện thế giới rất rộng lớn và triển vọng có thể còn lớn hơn nữa trong tương lai. Nhiều Chính phủ đang đặt ra nhiều mức thuế và phí cho việc phát thải cao. Từ sau COP26, nhiều người dân đã có nhận thức về việc bảo vệ môi trường. Từ đó nhu cầu đi xe điện càng ngày càng nhiều hơn.