Vụ Mr Pips Phó Đức Nam lừa đảo 5.200 tỷ đồng được khám phá như thế nào?

Các đối tượng cầm đầu bố trí các văn phòng chi nhánh tại những khu vực trung tâm, có bảo vệ, an ninh tòa nhà giám sát, lắp camera và cho người canh gác ở cửa các văn phòng nhằm cảnh giới và kịp thời ứng phó khi bị cơ quan chức năng phát hiện.

Thông tin về quá trình điều tra vụ án Phó Đức Nam (30 tuổi, TikToker Mr Pips), ngày 11/12, Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết: Đây là ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động có quy mô lớn, với phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, chuyên nghiệp; được phân công, phân cấp chặt chẽ; bố trí văn phòng chi nhánh trên toàn quốc và nước ngoài, hoạt động phạm tội diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng ở phạm vi trong và ngoài nước… Vì thế, quá trình điều tra vụ án, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đó, thực hiện công tác điều tra cơ bản và trinh sát trên không gian mạng, Công an quận Cầu Giấy phát hiện 1 ổ nhóm đối tượng có nghi vấn sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh theo hình thức đầu tư chứng khoán dưới vỏ bọc là Công ty TNHH Artex Vina và các công ty ma do đối tượng Phó Đức Nam (SN 1994, ở tại khu phố 5, phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (SN 1990, HKTT tại Hồ Tùng Mậu, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu.


Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội chủ trì buồi họp báo, thông tin về vụ án.

Từ thông tin thu thập được, các trinh sát đã tổ chức lực lượng tiếp cận, thu thập tài liệu để hiểu và xác định cơ cấu tổ chức, vai trò của từng đối tượng trong ổ nhóm. Trong quá trình này, các cán bộ điều tra gặp nhiều khó khăn do các đối tượng cầm đầu, điều hành hoạt động trên không gian mạng, qua các ứng dụng nhắn tin có độ bảo mật cao, dễ dàng xóa dấu vết, ẩn danh khi hoạt động phạm tội. Ngoài ra, các đối tượng nghi vấn phạm tội thường xuyên không ở Việt Nam; hoạt động điều hành chủ yếu ở nước ngoài… nên việc xác định con người cụ thể; nội dung phạm tội của các đối tượng đòi hỏi phải khéo léo, bí mật và nhạy bén trong công tác trinh sát, tuyệt đối không để lộ thông tin và các đối tượng nghi ngờ.

“Đối tượng cầm đầu còn bố trí các văn phòng chi nhánh tại những khu vực trung tâm, có bảo vệ, an ninh tòa nhà giám sát, lắp camera và cho người canh gác ở cửa các văn phòng nhằm cảnh giới và kịp thời ứng phó khi bị cơ quan chức năng phát hiện”, nói về thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, một cán bộ Công an quận Cầu Giấy cho biết.

 

Dàn siêu xe cơ quan Công an thu giữ của Phó Đức Nam.

Đồng thời, đối tượng luôn cảnh giác cao độ với mọi tiếp xúc bên ngoài, ở trong môi trường văn phòng khép kín và không tiếp xúc với ai. Trong khi đó, hoạt động tội phạm hoàn toàn diễn ra trên không gian mạng, qua điện thoại nên khó khăn trong việc xác định đối tượng, phát hiện hành vi, phương thức thủ đoạn phạm tội, vai trò của từng đối tượng trong các văn phòng.

Phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng tinh vi và còn mới, ẩn dưới danh nghĩa của các công ty ma hoạt động trong lĩnh vực môi giới đầu tư chứng khoán, các đối tượng hoạt động như những công ty hợp pháp ở các văn phòng, gây khó khăn trong công tác phát hiện tội phạm, tội danh của ổ nhóm đối tượng.

 

Tang vật cơ quan Công an thu giữ.

Giám đốc Công an TP Hà Nội đã giao Công an quận Cầu Giấy tiến hành trình sát, xác lập chuyên án và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP tập trung lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ, thu thập tài liệu đấu tranh làm rõ để bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thực hiện kế hoạch triệt phá đã được Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội phê duyệt, ngày 25/10, Công an quận Cầu Giấy phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP tiến hành bắt giữ các đối tượng cầm đầu, điều hành đường dây tội phạm trên. Đến nay, đã khởi tố 31 đối tượng, trong đó có 26 đối tượng bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm có đối tượng cầm đầu Phó Đức Nam; 3 đối tượng bị khởi tố về hành vi “Rửa tiền”, 1 đối tượng bị khởi tố về hành vi “Không tố giác tội phạm”, 1 đối tượng bị khởi tố về hành vi “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”. Đồng thời, ra quyết định truy nã quốc tế đối với Lê Khắc Ngọ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò cầm đầu cùng Phó Đức Nam trong vụ án.

Bắt giữ đã khó, trong quá trình tìm và xác mình các bị hại trong vụ án, cơ quan điều tra cũng gặp nhiều khó khăn do các bị hại nghĩ đây là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống; việc bị mất tiền là do may rủi nên nhiều bị hại không trình báo và khi được cơ quan Công an liên hệ thì không hợp tác, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng lừa đảo.

Từ vụ án trên, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy khuyến cáo các nhà đầu tư trong nước, tại Việt Nam không cấp phép cho bất cứ sàn giao dịch chứng khoán quốc tế nào, kể cả đầu tư online ở Việt Nam cũng chưa cấp phép.

Vì thế, nếu tham gia, nhà đầu tư chỉ nên đầu tư chứng khoán tại các tổ chức được cơ quan chức năng của Việt Nam (cụ thể là Uỷ ban chứng khoản Nhà nước) cấp phép. Nhà đầu tư muốn đầu tư chứng khoán thì liên hệ các công ty chứng khoán ở Việt Nam để mở tài khoản và giao dịch.
Mọi việc giao dịch mua bán cổ phiếu quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam là bất hợp pháp (kể cả mua bán online).

“Việt Nam chưa cấp phép cho cá nhân đầu tư ra nước ngoài dưới dạng mua bán cổ phần của doanh nghiệp có trụ sở ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nên nhà đầu tư không nên nghe theo lời tư vấn của các cá nhân, tổ chức nào thực hiện việc đó. Khi có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài thì liên hệ các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, tránh mất tiền và tránh vi phạm các quy định của Việt Nam và quy định của nước định đầu tư đến”- lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy nhấn mạnh.

Đồng thời, việc chuyển đổi từ tiền Việt Nam sang các ngoại tệ khác, cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện Việt Nam chưa cấp phép cho lưu thông tiền điện tử. Vì vậy, các nhà đầu tư cần lưu ý để tránh bị lôi kéo, chuyển đổi, giao dịch tiền điện tử… dẫn đến bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Nguồn: CAND Online (Văn Thủy)