Giá của chiếc SUV điện mới của hãng xe điện Việt Nam mang tên VinFast VF9 tại thị trường Mỹ được cho sẽ thấp hơn con số dự kiến ban đầu.
Theo InsideEVs, mẫu xe điện đến từ Việt Nam, VinFast VF 9 sẽ có sự thay đổi về giá bán tại thị trường Mỹ.
Ban đầu, chiếc SUV 7 chỗ này có giá khởi điểm là khoảng 83.000 USD cho bản Eco (giá quy đổi 2,01 tỷ đồng) và 91.000 USD cho bản Plus (giá quy đổi 2,21 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ VinFast, giá bán thực tế của VF 9 sẽ thấp hơn. Cụ thể, với bản Eco, giá khởi điểm được cập nhật là khoảng 79.800 USD (giá quy đổi 1,94 tỷ đồng).
Trong khi đó bản Plus sẽ có giá 85.800 USD (giá quy đổi 2,08 tỷ đồng). Chênh lệch so với giá dự kiến ban đầu lần lượt là 3.200 và 5.200 USD (78 – 126 triệu đồng).
Theo công bố của VinFast hồi tháng 8, những đợt giao xe VF9 đầu tiên tới cho khách hàng tại Bắc Mỹ sẽ bắt đầu từ quý 4 năm 2023. Xe lần đầu được ra mắt tại thị trường Hoa Kỳ thông qua triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 với tên gọi ban đầu là VF e36.
VinFast VF9 2024 sở hữu khối pin SDI dung lượng lớn 123 kWh cho tầm hoạt động lên tới 531 km ở phiên bản Eco mâm 20 inch và 468 km ở phiên bản Plus mâm 21 inch.
Công suất tối đa của động cơ là 402 mã lực với mô men xoắn cực đại 640Nm, cùng hệ dẫn động 2 cầu toàn thời gian (AWD). Cũng theo thông tin từ hãng, VinFast VF9 có thể tăng tốc từ 0 – 100 km/h chỉ trong khoảng 6,5 giây.
Tại Việt Nam, VinFast VF9 có giá bán niêm yết từ 1,491 tỷ đồng đến 1,676 tỷ đồng chưa bao gồm dịch vụ pin. Trong đó, bản rẻ nhất là Eco không pin sẽ có giá lăn bánh là 1,513 tỷ đồng.
Mới đây, hãng ô tô Việt Nam cũng đã thêm tùy chọn pin mới đến từ nhà sản xuất CATL (Trung Quốc) với dung lượng lớn hơn nhưng lại giúp xe giảm trọng lượng.
Dẫu vậy, thông số cụ thể về dung lượng pin, tầm hoạt động cũng như thời gian sạc của phiên bản này lại chưa được VinFast công bố. Mức chênh lệch giá giữa các phiên bản pin CATL và SDI sẽ dao động khoảng 55 – 111 triệu đồng.
Theo: Tienphong
NSX pin số 1 thế giới khoe pin mới cực chất: VinFast đã “chốt đơn”, xe chủ tịch VF9 đi xa gấp đôi – 1000 km mỗi lần sạc?
Hãng pin CATL đối tác của VinFast vừa giới thiệu chi tiết hơn về công nghệ CIIC, có thể giúp xe điện đi 1000 km mỗi lần sạc.
Mới đây, Giám đốc Công nghệ CATL – Wu Kai – đã cho biết rằng công nghệ CIIC (CATL Integrated Intelligent Chassis, công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin) của hãng có thể giúp xe điện có mức tiêu hao năng lượng chỉ 10,5 kWh/100 km. Đây là con số rất thấp, có thể giúp một mẫu xe điện đi được khoảng 1000 km mỗi lần sạc.
CATL là đơn vị đến từ Trung Quốc, được xem là nhà sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới. Ngoài VinFast, CATL cung cấp pin cho nhiều thương hiệu trên thế giới như BMW hay Tesla.
Thông báo của CATL diễn ra tại một sự kiện của ngành xe Trung Quốc ở hồ Trích Thủy, Thượng Hải, khi ông Wu Kai cập nhật kết quả nghiên cứu của công ty về công nghệ CIIC.
Tại sự kiện, CATL cho biết rằng công nghệ này đã được thử nghiệm trong nhiệt độ mùa đông tại tỉnh Hắc Long Giang và mùa hè tại Tân Cương, Trung Quốc.
Kết quả cho thấy pack pin có thể duy trì hiệu suất 75%. Ở nhiệt độ âm 7 độ C, pack pin mất khoảng 30% quãng đường di chuyển. Bên cạnh đó, công nghệ này có thể giúp sạc 300 km di chuyển trong 5 phút.
Công nghệ CIIC của CATL mới được giới thiệu 1 năm về trước. Tại thời điểm đó, CATL giới thiệu rằng khung gầm này tích hợp được cả hệ thống phanh, hệ thống lái và hệ thống truyền động điện.
Với điều này, khung gầm CIIC có thể tích hợp vào thân xe luôn mà không cần phát triển gì thêm. CATL cũng cho biết rằng CIIC có thể điều chỉnh chiều dài để phù hợp với kích thước xe, đồng thời cũng có thể linh hoạt điều chỉnh vị trí đặt pin.
Bên cạnh các hệ thống cơ bản của xe điện, pin của xe cũng có thể tích hợp vào: Pin và các bộ phận quan trọng sẽ tích hợp sẵn vào sàn xe thay vì gắn vào với nhau theo từng cụm rồi mới đặt lên sàn xe. Việc tích hợp pin vào khung xe giúp giảm chi phí, giảm tiêu hao năng lượng, tăng thể tích cabin xe và tăng quãng đường di chuyển mỗi lần sạc.
Báo chí Trung Quốc có nêu rằng CATL đang thử nghiệm công nghệ này trên một mẫu sedan của Neta. Thương hiệu này cũng đã ký với CATL để trở thành thương hiệu đầu tiên bán xe trang bị CIIC tại Trung Quốc.
VinFast và CATL vào tháng 10/2022 cũng đã “ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Chiến lược Toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện, bao gồm công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin CTC (Cell to Chassis)”.
Thông cáo báo chí của sự kiện cũng nêu rằng: “Dự kiến VinFast sẽ là nhà sản xuất xe ô tô tiên phong đưa công nghệ mới này ra thị trường toàn cầu với sự hợp tác chiến lược cùng CATL”.
Trên trang chủ, VinFast cho biết rằng VinFast VF9 Eco dùng pin CATL (tùy chọn mới xuất hiện) có thể đi được 594 km mỗi lần sạc, tiêu hao 253 Wh mỗi kilomét (tương đương 25,3 kWh/100 km).
Trong khi đó, công nghệ CIIC của CATL giúp xe có mức tiêu hao năng lượng chỉ 10,5 kWh/100 km, nên giả sử VF9 đời sau trang bị công nghệ này thì việc có thể đi được 1000 km mỗi lần sạc là điều có thể dự đoán.
Theo: Đời sống và Pháp luật
Ngoài Việt Nam và Mỹ, minicar VinFast VF3 nhiều khả năng sẽ được bán tại một quốc gia ĐNÁ khác: Đây là bằng chứng!
Nhiều khả năng, mẫu xe điện cỡ nhỏ minicar VinFast VF3 sẽ được bán tại Indonesia. Trước đó, nhiều đại lý tại Mỹ đã rất thích thú với mẫu xe điện VF3 này và muốn VinFast bán tại thị trường này.
Các tờ báo, trang tin hàng đầu ở Indonesia đồng loạt đưa tin VinFast đã đăng ký bản quyền kiểu dáng công nghiệp mẫu xe điện VF 3 ở quốc gia này. Hồ sơ do Cục Bản quyền và Kiểu dáng công nghiệp, Tổng cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia, ban hành.
Xe được đăng ký dưới tên Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast có trụ sở tại Thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Từ hình vẽ trong hồ sơ, không khó để nhận ra đây là VinFast VF3.
VinFast VF 3 được đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở Indonesia. Ảnh: Cục Bản quyền và Kiểu dáng công nghiệp Indonesia, VinFast.
VinFast VF 3 là mẫu ô tô điện mini, chung phân khúc với Wuling Air EV. Ở Indonesia, phân khúc ô tô điện mini đang được thống trị bởi mẫu xe đến từ Trung Quốc.
Cụ thể, trong năm 2022, Air EV đã bán được khoảng 11.000 xe, giúp Wuling chiếm lĩnh 75% thị phần thị trường ô tô điện.
So với Air EV, VinFast VF3 dài hơn một chút (3.114 mm so với 2.974 mm). Xe có thiết kế 2 cửa, 5 chỗ ngồi. Thân xe nhỏ gọn nhưng cao và chắc chắn, khoảng sáng gầm lớn và được trang bị mâm hợp kim, tùy chọn kích thước 16 inch và 17 inch.
Đèn pha và gương chiếu hậu hình vuông cũng như logo chữ V trên dải LED cánh chim ở cản trước và cản sau là những nét nổi bật về ngoại thất.
Nội thất VF 3 được cho biết là thiết kế tối giản nhằm tối ưu không gian cho 5 người ngồi bên trong. Bản Plus có thêm màn hình giải trí trung tâm 8 inch.
Trước đó, có thông tin rò rỉ rằng, động cơ điện của VF 3 cho khả năng tăng tốc 0-100 km/h dưới 12 giây. Tầm vận hành tối đa 285 km theo tiêu chuẩn Trung Quốc, tương đương 237 km theo tiêu chuẩn châu Âu.
Song, VinFast chưa xác nhận thông số này và chưa hề cung cấp một cách chính thức các thông tin chi tiết về mẫu xe nhỏ nhất, rẻ nhất trong dải sản phẩm ô tô điện.
Đây không phải lần đầu tiên VinFast đăng ký bản quyền kiểu dáng công nghiệp tại Indonesia. Trước đó, hãng xe Việt từng đăng ký 2 mẫu xe xăng, VF e34 và VF 8.
Theo: Đời sống Pháp luật