Việc một người đàn ông tự nhận là “ca sĩ” Phú Lê mặc trang phục được cho là trang phục của vua chúa nước ngoài biểu diễn ca nhạc và tặng quà cho các cháu thiếu nhi vùng cao tại một tỉnh miền núi phía Bắc trong chương trình vui Tết trung thu mới đây đã khiến dư luận “dậy sóng”. Chuyên gia văn hoá cho rằng, hành động này của nam “ca sĩ” tự xưng là vô cùng phản cảm, không thể chấp nhận được.
Hành vi mặc trang phục vua chúa nước ngoài biểu diễn ca nhạc tại chương trình dành cho thiếu nhi nhân dịp Tết trung thu của “ca sĩ” Phú Lê khiến dư luận vô cùng bức xúc, cho rằng quá phản cảm và kệch cỡm.
“Hành vi của Phú Lê là vô cùng phản cảm”
Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền nhiều hình ảnh và video clip ghi lại cảnh một người đàn ông trong bộ trang phục của vua chúa nước ngoài đang say sưa ca hát trên sân khấu; với khán giả bên dưới là các cháu thiếu nhi trong trang phục của đồng bào dân tộc. Được biết, tiết mục này diễn ra trong chương trình Đêm hội trăng rằm tổ chức tại trường Tiểu học và THCS Làng Nhì (xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) nhân dịp Tết Trung thu vừa qua.
Danh tính của người đàn ông nhanh chóng được xác định là Phú Lê – một nhân vật vốn nổi danh trên mạng xã hội từ lâu với danh xưng “ca sĩ”, “giang hồ mạng”… Ngoài Phú Lê, tại chương trình cũng có sự góp mặt của nhiều “giang hồ mạng” khác, với các tiết mục ca nhạc, phát quà trung thu cho các em nhỏ.
Tuy nhiên, việc “ca sĩ” Phú Lê sử dụng trang phục giống như của những vị hoàng đế ngoại quốc để trò chuyện, ca hát và phát quà trung thu cho thiếu nhi vùng cao đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, cho rằng hành động này quá phản cảm, kệch cỡm, thậm chí là hết sức lố lăng.
Theo Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ, trong cuộc sống thường ngày, nếu một con người có sự am hiểu về lịch sử và những khía cạnh khác trong cuộc sống thì sẽ không mặc những bộ trang phục như vậy, nhất là ở trong môi trường giáo dục như ở trường học. Trong chương trình vui Tết trung thu dành cho trẻ em, nếu như Phú Lê mặc một bộ trang phục của một dân tộc dân gian Việt Nam, thì sẽ không dẫn đến sự phản cảm.
“Việc mặc trang phục biểu tượng cho quyền lực của một quốc gia như trang phục của các cơ quan công quyền, quân đội, cảnh sát, trang phục của các vị hoàng đế… trong các hoạt động thông thường là việc hoàn toàn không nên làm. Theo tôi, phía đơn vị tổ chức chương trình chắc chắn không mời Phú Lê đến. Vì vậy, đó là Phú Lê đã đột nhập vào một không gian trường học để làm những điều mình thích, và với mục đích tạo sự kiện nhằm thu hút sự chú ý”, ông Nguyễn Hùng Vỹ nhấn mạnh.
Vợ chồng Phú Lê – Thuý Kiều chụp ảnh cùng các em thiếu nhi vùng cao của trường Tiểu học và THCS Làng Nhì (xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).
Cũng theo Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ, hành động phản cảm của Phú Lê đã xâm phạm không gian trường học, xâm phạm không gian giáo dục… Không gian trường học là nơi được pháp luật bảo vệ, không phải nơi để Phú Lê hay những người khác muốn làm gì thì làm.
Trao đổi với PV Ngày Nay, đại diện Phòng giáo dục huyện Trạm Tấu cho biết, liên quan đến sự việc người tự xưng là “ca sĩ” Phú Lê mặc trang phục phản cảm biểu diễn ca nhạc trong chương trình Đêm hội trăng rằm tổ chức tại Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì (xã Làng Nhì) vừa qua, Phòng giáo dục huyện đã nắm được thông tin và đã yêu cầu phía nhà trường có báo cáo nội dung sự việc.
Đại diện Phòng giáo dục huyện Trạm Tấu khẳng định, việc Phú Lê cùng một số người khác có mặt tại chương trình vui Tết trung thu của các em thiếu nhi là do họ tự tìm hiểu và liên hệ với phía nhà trường thông qua một công ty du lịch tại địa phương, với mục đích ban đầu là tới thăm và trao tặng quà trung thu cho các em nhỏ vùng cao.
“Chương trình trung thu cho các em nhỏ do huyện và xã tổ chức đã được diễn ra từ trước, hoàn toàn không có việc ông Phú Lê mặc trang phục phản cảm biểu diễn và trao quà trong chương trình của huyện, xã. Tiết mục ca nhạc có trang phục phản cảm này cũng do ông Phú Lê tự ý biểu diễn, không nằm nội dung đã đăng ký với nhà trường trước đó”, đại diện Phòng giáo dục huyện Trạm Tấu thông tin.
“Trích lục” lai lịch Phú Lê
“Ca sĩ” Phú Lê, tên thật là Lê Văn Phú (SN 1980, quê Yên Bái). Phú Lê từ lâu vốn được biết đến như một hiện tượng nổi lên nhờ mạng xã hội, khi từng tham gia đóng một số video âm nhạc hay phim ngắn về đề tài giang hồ với nhiều cảnh quay bạo lực, phản cảm. Được mệnh danh là “giang hồ mạng”, người này thường xuyên đăng tải những hình ảnh và video clip đeo đầy trang sức vàng trên người thể hiện sự giàu có, cũng như liên tục rao giảng về “tình nghĩa anh em”, “nghĩa khí giang hồ” trên mạng xã hội.
Không chỉ nổi danh nhờ “hay nói đạo lý” trên mạng, việc kinh doanh của Phú Lê cùng vợ là Thuý Kiều cũng từng nhiều lần được các cơ quan báo chí phản ánh và bị cơ quan chức năng “sờ gáy” do tồn tại nhiều dấu hiệu sai phạm.
Theo đó, vợ Phú Lê tên thật là Lã Thuý Kiều (SN 1985, quê Hà Nam). Thời điểm tháng 1/2015, Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Thiên Kiều do bà Lã Thuý Kiều làm giám đốc đã bị cơ quan chức năng phạt 50 triệu đồng, thu hồi giấy phép hoạt động vì sản xuất 4 tấn sản phẩm không công bố chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường. Sau đó, Công ty Thiên Kiều đã đổi tên thành Công ty TNHH thương mại và tổng hợp Kiều Thiên Phát và ngay trong tháng 2/2015, công ty này được cấp lại giấy phép.
“Giang hồ mạng” Phú Lê cùng vợ là Thuý Kiều tại thời điểm bị Công an TP. Hà Nội bắt giữ để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích.
Đến ngày 8/7/2015, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội có mặt tại trụ sở kiêm xưởng sản xuất mỹ phẩm của Công ty Kiều Thiên Phát – do bà Lã Thuý Kiều làm giám đốc tại địa chỉ 21 ngách 1/28 ngõ 49 phố Thuý Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và phát hiện tại đây có nhiều biểu hiện nghi vấn về sản xuất hóa mỹ phẩm kém chất lượng.
Thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, Công ty Kiều Thiên Phát đã tự mua nguyên liệu về và tự pha chế ra các loại sản phẩm. Qua kiểm tra hóa chất, cơ quan chức năng ghi nhận các hóa chất được đóng trong bao, hộp, thùng không ghi nhãn hiệu, không tem, mác hoặc ghi bằng chữ Trung Quốc và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Công nghệ pha chế thô sơ nhưng sữa tắm Laurel đều được gắn mác sản phẩm cao cấp được sản xuất theo công nghệ của Malaysia.
Bẵng đi một thời gian, tháng 4/2019, vợ chồng Thuý Kiều – Phú Lê lại một lần nữa được cơ quan báo chí “nhắc tên” khi bà Kiều thường xuyên lên mạng xã hội quảng cáo và bán hàng online những sản phẩm của Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Thiên Phú do bà này cùng với chồng là “ca sĩ” Phú Lê làm chủ. Tuy nhiên, những sản phẩm được quảng cáo có tác dụng đặc trị bệnh này lại hoàn toàn không có giấy phép lưu hành.
Tháng 8/2020, hiện tượng mạng Phú Lê – Thuý Kiều bị Công an TP. Hà Nội bắt giữ để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích, do cặp vợ chồng này có liên quan đến vụ hành hung dã man hai người phụ nữ lớn tuổi xảy ra tại huyện Đan Phượng (Hà Nội). Thời điểm bị bắt giữ, Phú Lê được xác định chính là kẻ cầm đầu, là chủ mưu trong vụ việc.