Như VOVGT đã thông tin, Thủ tướng chỉ đạo TP. Hà Nội thực hiện các giải pháp nhằm hướng tới việc không còn xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1. Vậy, việc cấm xe máy chạy xăng trong khu vực vành đai 1 sẽ đối diện những thách thức nào? Công cụ nào giám sát việc thực hiện?
Nhiều thử thách khi cấm xe chạy xăng
Hàng ngày đi làm bằng xe máy trong phạm vi vành đai 1, anh Trần Văn Tuấn, ở Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ sẵn sàng chuyển sang đi xe buýt hoặc xe điện. Song với nhiều người, việc thay đổi không chỉ là thói quen, mà cả vấn đề chi phí:
“Đương nhiên người ta sẽ có những bất lợi khi phải thay đổi từ xe xăng sang xe điện. Người ta rất khó chấp nhận góc độ đấy. Hiện bây giờ tôi chưa có xe điện nào, nhưng chủ trương như thế thì tôi cũng phải thay đổi thôi.”

Xe máy chạy xăng là phương tiện chủ yếu của người dân hiện nay
Đặc biệt, đối với những tài xế chở khách, việc không được đi lại bằng xe máy chạy xăng cũng khiến họ phải mua xe mới, lo trạm sạc, thuê pin… Ông Lê Xuân Tuấn, một lái xe công nghệ trên đường Giải Phóng, Hà Nội băn khoăn:
“Chẳng hạn xe kéo, hoặc những xe quá lâu đời nó ô nhiễm môi trường, cái đấy Nhà nước không nên cho sử dụng. Chứ còn một cái xe như thế này, Nhà nước bảo chúng tôi bỏ đi thì bây giờ mua xe điện chúng tôi không có khả năng được.”
Một số người tham gia giao thông cũng băn khoăn khi nắm bắt thông tin cấm xe máy vào vành đai 1 được đưa ra một cách đường đột:
“Nếu có hiệu lực thì cũng phải theo thôi, còn xe điện thực chất tương đối đắt, mà người dân đi hàng ngày thì bắt buộc phải mua rồi, phải thay đổi rồi.”
“Cấm thì cũng mong rằng để cho người ta có một cái chuẩn bị, có một hướng để cho người ta làm ăn, phục vụ công tác, phục vụ gia đình.”
“Cũng nghe mang máng nhiều người nói tới đây cấm xe máy chạy xăng. Nói chung, ví dụ những xe chất lượng kém thì Nhà nước sa thải đi thôi.”

Cấm xe máy chạy xăng sẽ tạo ra một thách thức không nhỏ với người dân khi phải tìm giải pháp thay thế
Dù tán thành việc cấm xe máy chạy xăng vào khu vực Vành đai 1, nhằm góp phần giảm ô nhiễm cho Thủ đô song một số chuyên gia cũng băn khoăn về nhiều khó khăn khi thực hiện chuyển đổi hàng loạt phương tiện từ chạy xăng sang chạy điện. Ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Môi trường, thuộc Viện Khoa học công nghệ GTVT phân tích:
“Chuyển đổi sang phương tiện xe điện hay nhiên liệu sạch thì chúng ta cần có hạ tầng như điện phải có trạm sạc, các dạng nhiên liệu khác cũng phải có trạm tiếp nhiên liệu, bây giờ nếu chuyển tất cả các phương tiện xe máy dùng xăng sang dùng điện thì nó sẽ gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật đường dây.”
Còn PGS.TS. Nguyễn Thế Lương, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các nguồn động lực và phương tiện tự hành, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định, khi cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1, Hà Nội sẽ gặp nhiều thách thức lớn cần được tính toán kỹ lưỡng:
“Chúng ta sẽ chuyển đổi theo hướng nào, theo định hướng là sang xe điện nhưng xe điện cũng có vấn đề về chất lượng và rác thải pin; thứ hai là phải có lộ trình thực hiện rồi từ đấy chúng ta đưa ra các chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe sử dụng xăng sang xe điện.”
Hạ tầng đô thị liệu đã đủ để đáp ứng xe điện?
Bên cạnh những thách thức về kinh phí mua xe khi chuyển đổi, vấn đề trạm sạc, nhiều ý kiến cũng lo ngại vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ cho hộ gia đình và bến bãi.
Bởi ở khu vực đô thị, đa phần người dân ở nhà ống, hoặc chung cư thì phần lớn không thiết kế cho xe máy điện. Các hầm, bãi ở cơ quan, công sở, nơi công cộng cũng phần lớn không thiết kế để phòng cháy chữa cháy cho phương tiện này.

Bài toán đặt ra hiện nay là hạ tầng đô thị đã đủ để chuyển đổi sang xe điện?
Bởi vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, để không còn xe máy chạy xăng vào Vành đai 1, cần có một chính sách của Thành phố với một lộ trình cụ thể:
“Nó phải thành một chính sách của Thành phố, với một lộ trình từ nay đến 1/7, dần đưa vào các chính sách quản lý, một là phạm vi thế nào, chế tài xử lý ra sao, người ta cứ đo thì ông quản lý thế nào… Nó phải có một kế hoạch khá tổng hợp và có một lộ trình khả thi để người dân tiếp nhận và chuyển đổi”.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới khí sạch VN cũng băn khoăn, nếu trong một vài năm tới, hàng triệu người dân buộc phải từ bỏ xe máy xăng mà hệ thống công cộng chưa được cải thiện tương ứng, thì không những chính sách khó đạt được hiệu quả mà còn có thể gây ra khủng hoảng trong vận hành giao thông đô thị. Đó là chưa kể, cơ chế kiểm soát xe máy chạy xăng đi vào khu vực cấm cũng là thách thức với cơ quan quản lý:
“Chắc chắn phải có những biện pháp để kiểm soát, để kiểm tra, giám sát việc ra vào, khó nhất là việc ra vào, chắc chắn đầu tiên người ta phải thiết lập hệ thống kiểm soát như thế nào, rồi có các chế tài để thực hiện cho đúng”.

Các chuyên gia cho rằng, cấm xe chạy xăng cần có một lộ trình hợp lý, rõ ràng
Về công cụ để kiểm soát, TS Nguyễn Hương Huế, chuyên gia giao thông của Cơ quan phát triển Pháp AFD tại Việt Nam nêu kinh nghiệm, hầu hết các nước trên thế giới sử dụng công cụ chung là dán nhãn tương ứng với mức phát thải của xe. Để đơn giản hóa thì thông thường :hững nhãn dán này sẽ quy đổi theo loại năng lượng sử dụng hoặc năm sản xuất của phương tiện.
“Điển hình như Paris hay Bắc Kinh đã trở thành hình mẫu tiêu biểu khi nói đến câu chuyện cấm xe nhằm bảo vệ chất lượng sống. Paris họ sử dụng các nhãn từ số 0 tới số 5. Trung Quốc thì sử dụng từ những năm 1990 cả ba công cụ kiểm soát về phương tiện, về nhiên liệu và về quản lý giao thông nhằm giảm khí thải, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2060. Bắc Kinh đã có khoảng 15 triệu xe hơi nhãn vàng (là xe phát thải cao) bị loại bỏ trong năm 2013-2015.”
Phương tiện chạy bằng điện – giải pháp thay thế được kỳ vọng – sẽ đặt ra một loạt rào cản về mặt chi phí và hạ tầng trạm sạc. Xe buýt cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 17% nhu cầu đi lại, trong khi đường sắt đô thị mới chỉ có một tuyến vào Vành đai 1 (đó là tuyến Cát Linh – Hà Đông).
Vậy, Hà Nội sẽ làm thế nào để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm xe máy chạy xăng vào trung tâm nhằm giảm ô nhiễm môi trường? Những nội dung này sẽ được VOVGT tiếp tục đề cập trong các chuyên mục tiếp theo, mời quý vị và các bạn chú ý theo dõi./.